MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỷ nguyên mới hợp tác an ninh Mỹ - Nhật

NGỌC VÂN (Theo Diplomat) LDO | 10/05/2015 14:04
Bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới có tiềm năng đánh dấu một kỷ nguyên mới trong liên minh Mỹ - Nhật.

Tuần trước, mọi ánh mắt đều đổ dồn về Washington, khi Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, có chuyến thăm Mỹ. Hai nước đã công bố bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới, phác thảo khuôn khổ chung và định hướng chính sách đối với vai trò và nhiệm vụ của quân đội hai nước. Quan trọng hơn cả, Nhật Bản đã nổi lên là một đối tác sẵn sàng đảm nhận nhiều vai trò mà trước kia là điều cấm kỵ với nước này. Nói ngắn gọn, hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới đồng nghĩa với một liên minh hùng mạnh hơn, nhiều chức năng lớn cùng phạm vi địa lý rộng hơn.

Trước đó, hướng dẫn quốc phòng Mỹ - Nhật đã trở nên lỗi thời. Được viết lần đầu tiên vào năm 1978, bản hướng dẫn này quy định việc phân chia lực lượng trong Chiến tranh Lạnh để bảo vệ Nhật Bản. Bức tường Berlin sụp đổ đồng nghĩa với việc những logic và giả định đằng sau nó không còn tồn tại nữa. Khi mối đe doạ của Liên Xô với Nhật Bản "bốc hơi", thì những mối lo ngại lớn hơn trong khu vực như vấn đề eo biển Đài Loan hay cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên nổi lên. Liên minh Mỹ - Nhật nhận thấy mối quan hệ của họ không còn thích nghi với môi trường an ninh hậu Chiến tranh Lạnh nữa, bởi không có khuôn khổ hoạt động để Nhật Bản hỗ trợ Mỹ trong những kịch bản nói trên. Điều đó dẫn đến lần sửa đổi đầu tiên vào năm 1997.

 

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, trong chuyến công du Mỹ.

Một logic tương tự dẫn đến lần sửa đổi mới nhất vừa qua. Hai nước liên minh mở rộng hợp tác an ninh trong vòng 18 năm theo cách thức không được nêu ra trong lần sửa đổi năm 1997. Điều này bao gồm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu ở Afghanistan, sứ mệnh chống cướp biển Somalia và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Nhật Bản. Quan trọng hơn, những thách thức an ninh khu vực của năm 2015 khác xa so với năm 1997. Nhật - Mỹ cần phải nâng cấp quan hệ để đối phó tốt hơn với những thách thức hôm nay, dựa trên thực tế gần hai thế kỷ thay đổi chính sách và kinh nghiệm hoạt động. Có thể kể đến một số thay đổi quan trọng như sau.

Trước hết, mở rộng hợp tác tác chiến. Theo lần sửa đổi năm 1997, liên minh thành lập cơ chế hợp tác song phương (BCM), cho phép hợp tác tác chiến trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, hoặc trong tình huống ở những khu vực xung quanh Nhật Bản (SIASJ). Tuy nhiên, BCM quá cứng nhắc, do đó nó không thể được kích hoạt trừ khi một cuộc tấn công vũ trang bắt đầu. Để khắc phục điều này, liên minh đã vạch ra sự cần thiết của việc hợp tác toàn chính phủ, và kêu gọi thành lập cơ chế hợp tác liên minh (ACM), đồng nghĩa với việc tăng cường hợp tác tác chiến và chính sách ở tất cả các giai đoạn, góp phần chia sẻ thông tin kịp thời, phát triển và duy trì nhận thức tình huống thông thường.

Hai là, mở rộng các tình huống hợp tác. Theo hướng dẫn năm 1997, hợp tác chỉ giới hạn ở thời bình, SIASJ và các cuộc tấn công vũ trang vào Nhật Bản. Trong số này, SIASJ khá mơ hồ. Bản hướng dẫn mới loại bỏ các hạn chế về địa lý với mục đích liên tục đảm bảo hoà bình và an ninh của Nhật trong tất cả các tình huống, bao gồm thời bình, các mối đe doạ nổi lên với hoà bình và an ninh của Nhật, tấn công vũ trang vào Nhật, tấn công vũ trang vào nước không phải là Nhật, và thảm hoạ quy mô lớn ở Nhật. Những sửa đổi này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với các mối đe doạ bán quân sự từ Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, và những hành động quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ba là, mở rộng khu vực hợp tác chức năng, trong đó có hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo và tình báo, giám sát và trinh sát, sơ tán phi chiến đấu và hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, vũ trụ và không gian mạng

Bốn là, mở rộng hợp tác trong các hoạt động quy mô khu vực và toàn cầu. Bản hướng dẫn quốc phòng mới cho thấy sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ của hai nước cũng như với các đối tác khác ở khu vực. Điều đó bao gồm các hoạt động gìn giữ hoà bình, cứu trợ thiên tai - nhân đạo, hoạt động an ninh hàng hải... Trong khi hầu hết những hoạt động này không mới, nhưng "bình diện toàn cầu" sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong trọng tâm của liên minh, chứ không chỉ tập trung vào phòng thủ của Nhật Bản.

Cuối cùng là sự sẵn sàng của Nhật Bản trong việc thực thi phòng thủ tự vệ (giới hạn). Các tình huống mới được nêu trong bản hướng dẫn bao gồm việc bảo vệ tài sản của lực lượng Mỹ, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ chiến đấu của Mỹ, trao đổi thông tin để bảo vệ lực lượng tham gia phòng thủ tên lửa đạn đạo... Đáng kể nhất là việc Mỹ - Nhật sẵn sàng hợp tác nếu một nước thứ ba bị tấn công.

Gợi ý dành cho bạn