MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã có 3 lớp nhà bị sóng cuốn hay triều cường uy hiếp.

Cò cưa trên miệng tử thần

Xuân Nhàn LDO | 02/12/2014 14:16
Người phụ nữ ngoài ba mươi bụng mang dạ chửa, vừa dậm dọa, vừa dỗ dành đứa nhỏ giọt dài giọt ngắn. Con bé độ 3 - 4 tuổi, mũi dãi lòng thòng cứ chực vùng khỏi bàn tay kiềm tỏa của mẹ. Điểm chị dừng chân là ngôi nhà nham nhở đầu thôn Kim Giao Bắc (xã Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định). Góc nhà trống huơ trống hoác giờ được che chắn, vá víu làm nơi tạm trú. Gió từng cơn điên cuồng xô đẩy dãy bờ tường chông chênh, chới với...

Sống liều, sống lụi

Lê Thị Thúy Hà - tên người đàn bà bụng mang dạ chửa - ấn đứa trẻ bướng bỉnh xuống nền gạch rồi ngồi thở dốc: “Chỗ này là nhà, đất ông Lê Hoài Mươi. Người ta đập bỏ, mình mượn nương náu qua ngày”. Ông Mươi bị nạn sạt lở, sóng biển, triều cường đánh bật khỏi Kim Giao Bắc năm trước thì tháng 5.2013, vợ chồng con cái Hà đùm túm dọn lên. Lấy chồng dưới Diêu Quang, mấy thế hệ chen chúc sống chung không dung chứa nổi va chạm nhọc nhằn trong đời sống thường nhật, vậy là Hà dứt áo ra đi. 

Đất cát không có, nghề ngỗng phập phù, tiền nong thiếu hụt, góc biển hoang vu thành ánh sáng cuối đường cho lựa chọn bế tắc của gia đình ngư dân trẻ. Hà kể phải tiêu tốn 12 triệu đồng mới có chút không gian chui ra chui vô, núp mưa núp nắng: Lợp lại chái nhà, chằng cột cánh cửa, dọn dẹp mảnh sân, thả con gà, con vịt... Mùa đông tháng giá, ai qua cũng lắc đầu ngán ngại, chỉ chủ nhân bất đắc dĩ của nó là thấy vẫn phớt tỉnh, nhẩn nha. Hà ghì con vào lòng khiến đứa bé nhăn nhó: “Đã qua một mùa mưa rồi, trời hổng sập đâu mà sợ”. 

Người vợ vắng chồng, sắp tới kỳ sinh nở, dường như đang cố gồng lên tự trấn an mình. Thì, cô có cơ hội nào khác để lựa chọn? Nhà 3 người, tháng nữa đã là 4 miệng ăn, trước sau trông vào chân đi bạn nơi người đàn ông trụ cột. “Ảnh biền biệt ngoài biển Trường Sa, có vô cũng ở đâu tận Cam Ranh, Khánh Hòa, lâu lâu tranh thủ đáo về một bận. Nghề biển chẳng thể nói trước điều gì, may nhờ rủi chịu, chuyến có chuyến không. Tính ra mỗi tháng ảnh gửi vợ con 2-3 triệu đồng, có tháng trắng tay”, Hà giãi bày gia cảnh. 

Phan Đạo Lập, cán bộ văn phòng UBND xã Hoài Hải đi cùng cho biết, chính quyền địa phương đang đau đầu nhức óc với ca ăn nhờ ở đậu đầy bất trắc này. Ba lần vận động, thuyết phục, những người thừa hành công vụ cuối cùng đành lặng lẽ rút lui. Chung quy cũng bởi Hà quá khó nghèo, cùng túng. “Chúng tôi hết nước hết cái khuyên về nhà cũ nhưng bất lực. Ra khu tái định cư, chị ấy không có “cửa” vì chẳng phải đối tượng được xét cấp đất”, ông Lập nói.

 Cuộc sống bất trắc của mẹ con chị Hà trong ngôi nhà đã bị dỡ bỏ.

Cá biệt như Hà đã đành một lẽ. Trên thực tế, hàng trăm nóc nhà cận kề mép sóng, đủ “chuẩn” tái định cư, được thôn xã lên danh sách cấp bách di dời hẳn hoi, nhiều năm qua vẫn mãi dùng dằng nỗi đi, nỗi ở. Bà Nguyễn Thị Liên, cũng ở Kim Giao Bắc, thẫn thờ tính toán: “Xuống Diêu Quang, mỗi hộ nhận 20 triệu đồng và lô đất tái định cư 100m2. Vật giá bây giờ, 20 triệu sao nên cơm, nên cháo?”. 

Bà Liên không phải… tay ngang, ù lì chậm lụt mà là chi hội trưởng chi hội nông dân, tức thuộc nhóm đi sớm về khuya, đầu tàu gương mẫu. Trình trạng trên giải thích vì sao công cuộc giải phóng 265 hộ dân đu bám cheo leo trước miệng hà bá ở Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện… sau rất nhiều diễn đàn, giấy mực, rốt cuộc vẫn gần như giậm chân tại chỗ. 

Trở lại vòng luẩn quẩn, xin chép nguyên văn mấy lời ai oán của bà Liên: “Trời hành hay sao mà chạy tới đâu, sóng đuổi theo tới đó”. Từ biển tính vô, nhà bà thuộc lớp thứ tư; sát vách là nhà con trai Nguyễn Thanh Tây, lớp thứ ba nhưng giờ đang phơi ra “mặt tiền”, thành mục tiêu đầu sóng ngọn gió cho thiên nhiên vùi dập. Hơn 20 năm trước, đại gia đình bà Liên còn là công dân Bắc Lý (cũ), thuộc xã Hoài Hương. Sau trận lũ kinh thiên động địa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cái cơ nghiệp cả đời đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo dựng nên bỗng chốc tan thành bọt biển cùng 70 nóc nhà khác. 

Màn trời chiếu đất, “trong sông ngoài biển” ở cửa An Dũ một thời gian, cuối 1993, bầu đoàn lần hồi, gắng gượng tới Kim Giao, mua đất người quen, lay lắt tiếp tháng ngày nhà tranh vách nứa. Ngôi nhà, nơi chúng tôi ngồi nghe bà Liên ngậm ngùi ôn nghèo kể khổ, phải tới năm 2006 mới được dựng lên. “Chưa kịp ấm chỗ…” - bà ngẩn ngơ buông lửng. “Có tiền… máu mà đi. Cứ ở lụi, sống còn, chết bỏ”, ông Lợi, chồng bà, từ đầu lặng lẽ bên chén trà nguội ngắt chợt thốt ra như cóc cắn. Ngư dân Nguyễn Văn Lợi, cựu binh Sư đoàn 3 Sao Vàng một thời tung hoành ngang dọc; người từng hiên ngang đối mặt với “tàu lạ ngỗ ngược” ngoài biển xa, sao ủ dột thế này?

“Nhà chủ bán tàu rồi, tôi thất nghiệp. Hai năm trôi nổi khắp trong nam ngoài bắc, được chia đúng 20 triệu, đói sặc gạch. Chạy ăn đã mướt mồ hôi, hơi sức… đách đâu” - ông Lợi mở miệng là lạm dụng thứ ngôn ngữ chứa chan bụi bặm. Cũng như chị Hà, vợ chồng ông cứ hoang mang dò hỏi số phận dải bờ kè chắn sóng dọc tuyến biển Hoài Hải. Không ai muốn cuộc sống lại thêm lần nữa xáo trộn.

Đất mới, người cũ và dự án bờ kè chắn sóng

Khu tái định cư Hoài Hải (2 giai đoạn) ở Diêu Quang là dự án lớn thuộc chương trình phòng, chống sạt lở, ứng phó thiên tai ở Bình Định. Kinh phí chừng 15 tỉ đồng, diện tích 6ha, khả năng tiếp nhận hơn 300 hộ, dự án được đánh giá là quy củ với hạ tầng tương đối đồng bộ. Thế nhưng, sau đợt di dời 136 hộ, chủ yếu là nhóm cư dân có nhà bị sóng cuốn hay sập đổ hoàn toàn, việc mở rộng quy mô đưa dân ra khỏi vùng bị uy hiếp lộ rõ dấu hiệu… ngắc ngứ. Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ai cho hay, kế hoạch năm 2014 là vận động di dời 20 hộ trước mùa mưa nhưng tới thời điểm này, mới chỉ hơn 10 hộ hưởng ứng, “không ít trường hợp chân ngoài chân trong, vừa nhận đất tái định cư, vừa nghe ngóng… chờ thời”.

Đầu tiên là “tiền đâu” như bên trên đề cập cho dù mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ hộ đã là lớn so với trước. Có thời điểm, khoản hà hơi tiếp sức chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. Sau tiền là sự bất tiện, là cách trở xa xôi dẫu chưa tới nỗi mắc sông mắc núi. Ông Lê Nhờ, dời vô Diêu Quang năm 2009, nhớ tiếc thời trên bến dưới thuyền ngoài An Dũ: “Nhà qua hồi đó ngon hung, có bến đà kéo ghe, có dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, vô đây là bỏ hết. Ngoài kia gần biển gần sông, thả tay lưới, kéo mẻ cá, mẻ tôm cũng tiện. Nay, có chuyện ra trung tâm là ngại, xa thêm 7 - 8 cây số. Bức bối nhất là chật chội, tù túng, quê mà như phố, bên này nhảy mũi, bên kia giật mình”. 

 

  Khu tái định cư Diêu Quang còn mênh mông đất trống.

Ông Nhờ, “nhà có điều kiện” nên phiền lòng do thiếu chỗ cơi nới chứ chị Nguyễn Thị Nhân, 11 năm qua chẳng biết cách chi “lấp đầy” lô đất nhà mình. Chồng Nhân, anh Phạm Thành Long là 1 trong 7 thành viên một gia đình mất xác giữa biển đầu năm 2012. 30m2 vừa làm nơi tiếp khách vừa là phòng ngủ, bếp ăn của chị vẫn lạnh lẽo không chút vôi ve, sơn phết. Bà quả phụ mới mãn tang chồng lầm lụi bươn chải nuôi con bằng công việc thời vụ lột mực, vá lưới, gồng gánh đeo mang món nợ mấy chục triệu mà được chủ nợ xóa lãi, chị cũng chỉ dám hứa “đợi mấy nhỏ lớn lên, có tiền, chúng trả”! So với lần chúng tôi mang chút thảo thơm từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động tới, thay đổi đứt ruột nhất từ mẹ con chị là bé lớn 13 tuổi Phạm Thị Nhân Ái đã đứt ngang đường học vấn. Hỏi sao không trồng trỉa gì cho ngôi nhà bớt lẻ loi, côi cút, chị cười ảo não: “Sỏi đá lổn nhổn, cây con nào sống được?”.

Chủ tịch UBND xã Hoài Hải - Huỳnh Có tiếp thêm: “Còn nhiều chuyện chưa thể ưng ý với dự án tái định cư này. Xử lý nền lún chưa tốt, một số nhà mới xây đã nứt; nước sạch cũng chưa, trong khi giếng đào nhiễm mặn nặng nề…”. Ông Có lục lọi hồi lâu, lấy ra bản photocopy công văn số 7378/BKHĐT-KTNN ngày 1.10.2013 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu gửi UBND tỉnh Bình Định, như ra dấu khép lại cái “đề bài” nhức nhối chưa thấy kết cục. Văn bản có đoạn viết như sau: “Việc đầu tư bờ kè chống xói lở Kim Giao nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và bảo vệ trực tiếp khu dân cư là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách trung ương rất khó khăn, chưa bố trí được vốn”. 

Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - Phạm Trương cũng chẳng tốt lành hơn: “Hồ sơ lập đã lâu, hơn 10 tỉ gì đấy, tôi nhớ không chính xác. Bên trên còn kêu khó, huyện lấy đâu ra vốn liếng? Nếu tỉnh tìm không ra nguồn trong năm 2015, chúng tôi sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020”.

Vậy đấy, nếu không có gì thay đổi, người dân cứ bình tâm mà sống cò cưa trên miệng tử thần, ít nhất cũng vài năm nữa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn