MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc phân loại nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống phải được thực hiện một cách rõ ràng, tránh việc mập mờ.

Phân loại nước mắm và nước chấm công nghiệp: Làm sao tránh sự mập mờ?

VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN LDO | 12/03/2019 12:13
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống phải được thực hiện một cách rõ ràng, tránh việc mập mờ để người tiêu dùng có thể nhận biết được.

Cần có quy định phù hợp

Sau khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đưa ra dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt chung nước mắm truyền thống - nước chấm công nghiệp vào trong một khung pháp lý để quản lý là không thỏa đáng, gây bất lợi cho nước mắm truyền thống.

ThS, LS Đặng Văn Cường nêu quan điểm: Hiện nay, mặc dù chúng ta có rất nhiều thương hiệu nước chấm công nghiệp, tuy nhiên phân khúc nước mắm truyền thống vẫn được nhiều người dân ưa chuộng. Do vậy, tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm nhận được sự quan tâm của cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

“Chúng ta đã có tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm là TCVN 5107:2018. Tiêu chuẩn này chỉ định nghĩa nước mắm nguyên chất và nước mắm, không có định nghĩa về nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp. Việc ghi nhãn sản phẩm áp dụng theo quy định hiện hành và các yêu cầu về nhãn sản phẩm báo gói sẵn để bán lẻ và ghi nhãn bao gói không dùng để bán lẻ. Như vậy trên thực tế, chưa có văn bản nào quy định thế nào là nước mắm truyền thống và thế nào là nước chấm công nghiệp”, luật sư Cường nói.

Ngoài ra, theo vị luật sư này, mới đây, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm cũng chưa có quy định làm rõ thông tin giữa nước mắm truyền thống và nước mắm chế biến công nghiệp. Do đó việc ban hành tiêu chuẩn này đã vấp phải ý kiến phản đối của các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống vì họ cho rằng bị tiêu chuẩn này gây khó khăn.

Phải phân loại rõ ràng

Liên quan tới vấn đề này, Trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay: Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho con người là phải trên hết. Sức khỏe con người là rất quan trọng. Do vậy, những thực phẩm có liên quan tới đời sống con người hàng ngày phải tuân thủ những quy trình về vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng của sản phẩm.

Một số cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tại làng Nam Ô nổi tiếng Đà Nẵng vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề. Ảnh Thùy Trang

Đối với nước mắm thương phẩm phải có sự kiểm nghiệm, kiểm định một cách rõ ràng. Dù đó là cơ sở sản xuất nước mắm như thế nào, ra làm sao, họ ủ từ cá mà ra hoặc sử dụng hương liệu thì việc này cũng phải được kiểm nghiệm một cách rõ ràng. Điều đầu tiên phải phân loại được đâu là nước chấm công nghiệp, nước mắm truyền thống.

Cũng theo vị ĐBQH này, thành phần của nước mắm cũng như việc phân loại rõ ràng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có ghi rõ ràng vào các nhãn hàng sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt được.

“Việc phân loại nước mắm phải được thực hiện một cách rõ ràng, không thể mập mờ khiến người tiêu dùng bị lẫn lộn được. Cùng với đó, tại những địa điểm phân phối, địa điểm bán hàng cũng phải phân loại các loại sản phẩm này một cách rõ ràng. Các cơ quan quản lý cũng cần phải vào cuộc có sự hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở bán hàng để thực hiện việc phân loại được tốt để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” - ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn