MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đóng tàu sẽ là thế mạnh của nền công nghiệp VN - ảnh minh hoạ.

Việt Nam không thể không có ngành đóng tàu!

Đào Tuấn LDO | 15/06/2013 08:37
Tái cấu trúc nền kinh tế; tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, đặc biệt Vinashin, Vinalines và hiệu quả các dự án bauxite là những vấn đề nóng nhất trong phiên các ĐBQH chất vấn Chính phủ chiều 14.6
Nếu không hiệu quả thì phải ngừng dự án để tránh tổn thất

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Du Lịch xung quanh vấn đề hiệu quả của các dự án bauxite, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên đánh giá, nếu không có hiệu quả thì phải xử lý, thậm chí ngừng dự án để tránh tổn thất. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cho đến nay, việc đánh giá đã thực hiện hết sức kỹ càng, có tính đến vấn đề thị trường. Do nhu cầu thế giới giảm, giá alumin cũng giảm, nhưng “Tính toán hết sức bảo thủ cho cuộc đời kinh tế 30 năm của dự án, thì giá alumin hiện nay là 379USD, vẫn thấp hơn giá dự báo 450USD. Với dự báo bảo thủ, đặt tính an toàn cao thì dự án vẫn hiệu quả dù thời gian lỗ kéo dài hơn”- Phó Thủ tướng nói.

Về phương án vận tải, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đã giao Bộ GTVT lên phương án vận tải cho việc vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu. “Đang được triển khai tuy hơi chậm do khó khăn về nguồn vốn. “Tôi hiểu ĐBQH chưa yên tâm với hiệu quả, băn khoăn liệu phương pháp tính và thực tế có đúng không! Tôi chia sẻ tâm tư này. Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo các vấn đề hiệu quả, chi phí, môi trường. Một dự án dài hạn sẽ xảy ra rất nhiều điều trong 30 năm nếu chủ đầu tư không thường xuyên tính toán” - Phó Thủ tướng nói.

Giải thích về thời gian 30 năm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói đây là tuổi thọ kinh tế theo thông lệ quốc tế để đánh giá hiệu quả của một dự án alumin. Đã lấy 30 năm làm tuổi thọ kinh tế thì cũng phải tính hiệu quả trên con số 30 năm.

Phải có diện mạo mới cho ngành đóng tàu

Một lần nữa nhắc lại Vinashin, Vinalines cũng như một số tập đoàn kinh tế, ĐBQH Lê Như Tiến nói chúng đã “để lại dư âm buồn, để lại sự méo mó, bàn giao lại cho đất nước nợ xấu hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng triệu USD”. Chính phủ bày tỏ quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu Vinashin (VNS), Vinalines và các tập đoàn nhưng hiệu quả đã đạt được mức nào? Lộ trình có đảm bảo hay không và “Thông điệp là tín hiệu vui hay buồn? lạc quan hay bi quan”?

Thừa nhận đây là “Câu hỏi lớn và khó”, nhưng với tinh thần công khai minh bạch và trách nhiệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng VNS bị đổ bể do 2 nguyên nhân: Quản trị tập đoàn lỏng lẻo, thất thoát. Nhà nước giao vốn, giao tiền và VNS đầu tư khắp nơi. Về khách quan thì kinh tế thế giới khủng hoảng”. “Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này. Khởi tố bắt giam 8 người trong VNS và 18 bị can khác đang trong quá trình tố tụng”

Về kết quả tái cơ cấu, đến nay, VNS đã sắp xếp được 36 DN, giảm 41 ngàn người, 74% số lao động có việc làm. VNS đã đóng và bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu, đây là kết quả ban đầu rất tốt vì theo Phó Thủ tướng “Nếu không số lỗ đã tăng thêm 10 ngàn tỉ đồng nữa”. Một trong những tái cơ cấu quan trọng là tái cơ cấu nợ, Phó Thủ tướng cho biết đến nay 19 ngân hàng trong nước tiến hành giảm nợ cho VNS 77%. 600 triệu USD mà tập đoàn này vay đã được đàm phán và đây là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu VNS.

Hiện nay, VNS còn lỗ rất nặng, với điều kiện khách quan như vậy, tái cơ cấu chậm và còn nhiều khó khăn thách thức. Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ cấu một cách triệt để, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chẳng hạn phải giữ lại bằng được 8.000 LĐ giỏi. Đối với các DN không giữ sẽ bán cổ phần. Cho phá sản một phần. Ông cũng thông báo quá trình đàm phán tài chính cho ra kết quả đến năm 2022 mới phải trả nợ. “Nếu tái cơ cấu được, chúng ta sẽ có 1 ngành đóng tàu diện mạo mới, cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hóa năng lực cạnh tranh và giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Là một quốc gia biển, chúng ta không thể không có ngành đóng tàu” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Đối với câu hỏi “Giữa tái cơ cấu và phá sản cái nào có lợi hơn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Do VNS là một DNNN, nếu phá sản, NN phải trả nợ thay cho VNS, và như vậy, vừa mất tiền, vừa mất uy tín và đặc biệt 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống. Xét cho cùng, tái cơ cấu vẫn có lợi hơn”. “Chúng tôi có niềm tin” - ông nói - “thế giới không thể khủng hoảng mãi. Thị trường sẽ phục hồi và vì thế VNS có phát triển tốt hơn”.

4 nguyên nhân khiến tái cấu trúc nền kinh tế bị chậm

Đối với đề án tái cấu trúc nền KT đang diễn ra chậm, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn lời cử tri cho rằng có sự tác động của lợi ích nhóm hoặc cơ chế không phù hợp. Ông Thuyền thẳng thắn đặt vấn đề trách nhiệm cũng như giải pháp để thúc đẩy tái cấu trúc trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có 4 nguyên nhân khiến việc tái cấu trúc nền kinh tế bị chậm: Thứ nhất, do tái cơ cấu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, chúng ta cần có cơ chế để thực hiện. Thứ hai là “Vấn đề thị trường tài chính” khi “muốn cổ phần nhưng ít người mua lắm”. Thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu. Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận có nguyên nhân thuộc về điều hành.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, đến nay, quá trình tái cơ cấu cũng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1792 không đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả và đang trong quá trình thực hiện. 9 ngân hàng thương mại được củng cố quyết liệt, tính thanh khoản tốt hơn rất nhiều, tạo niềm tin trong nền kinh tế. 69 tập đoàn, 16 DN lớn được tái cơ cấu lại. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nói với việc Chính phủ đã ban hành NĐ về đầu tư trung hạn sẽ tạo sự chủ động trong đầu tư. Chính phủ sẽ tăng cường giám sát chống lãng phí, giám sát đối với vốn trái phiếu, vốn nhà nước, tiếp tục tái cơ cấu tín dụng; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và hoàn thiện khung pháp lý.

Gợi ý dành cho bạn