MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chân cứng đá mềm

Xuân Cang LDO | 10/01/2016 14:13
Càng đi sâu vào môn toán Hà Lạc dự đoán vận mệnh đời người, tôi càng ngạc nhiên về khả năng tiên tri kỳ lạ của nó đối với quá khứ và tương lai con người (chính xác đến từng ngày, giờ), đặc biệt khả năng mách bảo tính chủ động của con người đối với số phận trời cho, trong mối quan hệ Trời - Đất - Người.

Tôi có một niềm vui với môn toán này, nó giúp tôi bắt đầu từ năm, tháng, ngày, giờ sinh tìm ra những bí ẩn của con người và nói riêng với họ. Với riêng tôi, nó giúp tôi tìm ra cái bí ẩn trong từng chặng đường đời đã đành, mà trong từng ngày. Một hôm tôi xem ngày Hà Lạc có câu dặn tôi: Hôm nay ngày hào 5 quẻ Thiên Trạch Lý xem đường đi nước bước có tổn thương không? Tôi nghĩ bụng bài cho số báo ra tuần này đã làm xong, còn gì tổn thương nữa nhỉ? Tuy vậy lời dặn dò đó vẫn ở trong tâm. Trước khi bấm mạng gửi bài chú ý đọc lại lần nữa, bỗng mắt dừng lại ở một con số, đáng nhẽ là 1835 bấm nhầm thành 1935. Giật mình sửa ngay và xuýt xoa: Lời dặn của thánh nhân hóa ra là như vậy. Hạnh phúc của con người trong trời đất này là luôn luôn biết ngạc nhiên trước những bí ẩn của cuộc đời và luôn luôn khám phá. Cũng có những bí ẩn không bao giờ khám phá được. Tôi nghiên cứu môn Hà Lạc thì biết rõ điều này. Hà Lạc thành văn mãi đến năm 1974 mới xuất hiện trong sách của Học Năng (Bát tự Hà Lạc lược khảo). Sau đó đến sách của Bùi Biên Hòa (Không gian Kinh Dịch qua dự báo của Bát tự Hà Lạc), Xuân Cang (Tám chữ Hà Lạc và quỹ đạo đời người). Các sách này chỉ bàn về dự đoán Hà Lạc đến từng năm của đời người. Đến cuốn sách thứ hai của tôi (Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông) thì đã bổ sung thêm phần dự đoán Hà Lạc đến từng Tháng, Ngày, dự đoán Nhân Quả và những dự đoán quan trọng khác. Ai đã giúp tôi biên soạn thêm những bổ sung quan trọng đó? Đó là Nguyễn Hoàng Phương, Thích Quảng Hiền, Hoàng Tuấn, Nguyễn Ngọc Phi, Đinh Văn Tân (có thể kể thêm những tên tuổi khác). Nhưng có một tên tuổi hoàn toàn bí ẩn đối với tôi. Nguyễn Ngọc Phi là người phổ biến cho tôi phép tính Hà Lạc đến Tháng và Ngày, khi tôi hỏi anh học được của ai, anh trả lời: Một danh nhân không cho phép nói tên tuổi. Như vậy đấy. Còn rất nhiều bí ẩn khác mà chúng ta ngày nay đặt ra nhiều câu hỏi chưa trả lời được: Ai đã phác thảo và hoàn chỉnh bộ trống đồng Đông Sơn trên nền tảng Dịch học với những hình ảnh âm dương, trời - đất - người? Sách “Bách Việt tiên hiền chí” một cuốn sử về giống nòi Việt có từ 500 năm trước kể chuyện Âu Dã Tử người nước Việt đã cùng Can Tương người nước Ngô lên núi dựng lều, đúc luyện kiếm quý “bằng tinh anh của ngũ kim, hấp thụ tinh khí của thái dương”. Các vị đã luyện được 4 thanh bảo kiếm. Không biết kỹ thuật luyện bảo kiếm thế nào, “nhìn vào lưỡi kiếm Long Uyên, cảm như đến bờ vực thẳm, lên đỉnh núi cao. Nhìn vào lưỡi kiếm Thái A, lấp loáng rờn rợn, như sóng gợn nước trôi. Nhìn vào kiếm Công Bố, từ mũi đến cán, đẹp như ngọc báu, miên man như nước biếc, sóng lớp lăn tăn, triền miên bất tuyệt” (Trinh Bá Âu Đại Nhậm, tác giả “Bách Việt tiên hiền chí”). Một hôm tôi lên Sa Pa, Nguyên Ngọc đưa tôi đến một bờ suối đang được khảo cổ có rất nhiều hòn đá khắc chữ do người xưa để lại. Tôi đã ngồi rất lâu trên một hòn đá ngắm những hòn đá mang chữ trên mình, một vùng văn hóa Việt, còn đầy bí ẩn, cho đến lúc đó chưa ai giải mã được. Ngắm mãi những hòn đá thiêng, trong tôi chợt hiện lên một câu ca dao Việt: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm”. Tôi giật mình nghĩ có lẽ câu ca dao bắt nguồn từ chính bãi đá kỳ diệu này chăng? Mắt tôi đang thấy những hòn đá mang hồn chữ như đang mềm đi thật dưới bàn tay con người. Không cần giải mã là những chữ gì, bản thân những hòn đá thiêng đã giải mã cho ta thấy một ý chí Việt, một tâm hồn Việt, một dấu ấn Việt ở nơi đây. Từ trên bãi đá ấy đã âm thầm trong tôi cái thao thức đi vào môn toán Hà Lạc, đi vào Kinh Dịch của người Việt qua những biến thiên trong lịch sử bị mất đi, nhưng tất cả những giá trị tinh thần còn được giữ lại gần như nguyên vẹn, như chính những hòn đá “mềm” này. Nó không mất đi, tất cả còn tiềm ẩn trong ngôn ngữ truyền miệng của người Việt ta: các huyền thoại, truyền thuyết, chuyện cổ tích, tục ngữ, ca dao, thành ngữ, kể cả trong các sự thật lịch sử thành văn và sự tích các nhân vật lịch sử. Như câu ca chân cứng đá mềm bỗng hiện lên trong tôi trên bãi đá Sa Pa.

 

Gợi ý dành cho bạn