MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Niềm vui đôi lứa ngày xuân (ảnh minh họa, nguồn: TTX).

Dân độc thân... sợ Tết

Lê Thị Ngọc Vi LDO | 03/02/2017 16:59
Có người sợ Tết bởi áp lực của trăm công nghìn việc phải làm trong giới hạn thời gian hạn hẹp, có người sợ những khoản chi tốn kém đổ dồn vào ba ngày Tết ngắn ngủi, có người lại ngán những nghi thức xã giao, tiếp đãi rườm rà nặng tính hình thức… Nhưng có một nỗi sợ thầm kín khó gọi thành tên, nỗi sợ của những người cô đơn, do cách sống mà họ đã lựa chọn hay đôi khi vì một nguyên nhân khách quan sâu xa nào đó.

H., một cô bạn tôi quen có ngoại hình xinh xắn và công việc với thu nhập không tồi. Hiểu biết, sành điệu và hiện đại, có người yêu đã lâu và cuộc sống cả hai đều ổn định nhưng H. vẫn chưa chịu cưới ở cái tuổi 31 dù người yêu H. vẫn thúc giục. Thắc mắc thì H. cắc cớ hỏi ngược lại: “Cưới làm gì hả chị? Làm người yêu thôi không sướng sao?” và khẳng định như đinh đóng cột: “Chỉ cưới khi nào tìm thấy ý nghĩa của hôn nhân!” Tưởng H. luôn hạnh phúc với sự chọn lựa của mình nên hơi bất ngờ khi tôi hỏi thăm “Tết này có về quê không?”, H. bảo, cả năm sợ nhất ba ngày Tết, ở lại thành phố cũng buồn, nhưng về quê phải đối mặt với bao nhiêu người, phải trả lời bao nhiêu câu hỏi mà chung quy cũng chỉ xoay quanh chuyện chồng con muộn mằn của cô khiến cô nghĩ đến thôi đã thấy hãi. Ở cái vùng quê mà trai gái lớn lên đều phải lập gia đình như một “tiêu chí” trước tiên để xác định người đó hoàn toàn “bình thường”, những câu hỏi “xoáy” thể hiện sự quan tâm thì ít mà tọc mạch, xỉa xói, thậm chí giễu cợt, thương hại thì nhiều khiến H. không chỉ khó chịu mà còn ái ngại cho cả bố mẹ mình. Họ cố “soi” cho ra một khiếm khuyết nào đó ở một cô gái những tưởng toàn ưu điểm như H., đâu ai hiểu H. lập gia đình muộn đâu phải vì một khiếm khuyết, bất thường nào đó của bản thân, mà chỉ đơn giản vì H. chưa muốn bị ràng buộc, khi cuộc sống tự do luôn mở ra trước mắt bao nhiêu điều tuyệt vời mà cô vẫn muốn tận hưởng cho trọn vẹn.
Q., một anh bạn tôi quen qua mạng, chọn sống độc thân vì lý do khác. Yêu tự do, thích du lịch, khám phá đó đây chứ ít khi chịu ở yên một chỗ nên mỗi khi có thời gian, Q. thường xách xe đi đây đó, lắm khi chỉ thích đi một mình. Nhưng những cô gái yêu Q. lại không thích vậy, họ không chịu hiểu hay hiểu nhưng không thông cảm được với Q. cũng chưa phải là vấn đề, nhưng thói quen kiểm soát, thích chiếm hữu của họ luôn khiến Q. mỏi mệt bởi cảm giác bị trói buộc, tù túng. “Người yêu” chung tình nhất của Q. cho đến giờ là “con ngựa sắt” vẫn cùng Q. chinh chiến không biết mỏi mệt trên các cung đường. Hỏi Q. mấy ngày tết rảnh rỗi làm gì, Q. bảo chắc sẽ lại cùng “người yêu” phượt một chuyến đâu đó, không phải vì ngày thường không có thời gian rong ruổi mà là để không phải đối mặt với những câu thăm hỏi xã giao khi “mọi con đường đều dẫn về La Mã” là chuyện vợ con của Q.. “Sao đã 40 mà vẫn hát bài “đời tôi cô đơn”, “kén cá chọn canh” hay “định để bọn con gái mốc meo hết sao…” v.v... là những câu hỏi thường trực bởi chuyện vợ con của Q. luôn là mối quan tâm hàng đầu của người thân, bạn bè.
Những người bạn của tôi, những H., những Q., chọn lối sống độc thân đơn giản vì họ chưa tìm thấy lý do khả dĩ nào có thể khiến họ từ giã lối sống tự do, không ràng buộc ấy mà không chút luyến tiếc. Nỗi sợ phải đối mặt với dư luận, với sự cảm thông chân tình xen lẫn không ít nghi ngại ác ý, thường lên đến đỉnh điểm vào những dịp họp mặt ba ngày tết, xem ra chẳng là gì so với những hạnh phúc mà họ cảm nhận được từ sự lựa chọn cho hành trình cuộc sống của mình. Họ, những người được cư dân của thế giới mạng đặt cho một biệt hiệu ngộ nghĩnh “FA” (viết tắt từ forever alone, tạm dịch: cô đơn) thực ra mới là những người chín chắn, trưởng thành hơn ai hết, khi xem hôn nhân là một câu chuyện nghiêm túc hơn là sự va vấp vào nhau một cách ngẫu nhiên trên những khúc quanh cuộc đời rồi đổ cho đó là sự sắp đặt, an bài của tạo hóa. Không chỉ chín chắn, họ còn rất trung thực, thẳng thắn và dám sống thật với người, với mình khi đã không chọn hôn nhân như một ngã rẽ khác an toàn, ít điều tiếng, thị phi hơn.
Có người chỉ cảm nhận được hạnh phúc trong trạng thái đủ đầy, sum họp. Ngược lại, có những người vẫn hạnh phúc khi ca bài “sầu lẻ bóng”, một mình một ngựa sớm tối đi về, cũng như có người cho rằng bình minh mới thật rực rỡ trong khi với người khác, hoàng hôn mới thật sự huy hoàng đấy thôi!  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn