MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố đối với bị can Vũ Trọng Lương (đứng bên phải) sáng 20.7. Ảnh: PV

Chỉ khởi tố Vũ Trọng Lương là chưa đủ

HUYÊN NGUYỄN - ĐẶNG CHUNG - NGUYỄN HÀ LDO | 21/07/2018 06:43
Ngay sau bùng nổ ở Hà Giang, gian lận thi cử manh nha xuất hiện và lại lan ra các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình,… Rõ ràng, không chỉ một địa phương biết cách lách. Và việc chỉ khởi tố Vũ Trọng Lương là chưa đủ…

Hôm qua (20.7), cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng với Vũ Trọng Lương - người được xác định đã trực tiếp sửa (nâng) điểm hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Thế nhưng, ngay sau bùng nổ ở Hà Giang, gian lận thi cử manh nha xuất hiện và lại lan ra các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu… Rõ ràng, khi có một kẽ hở để lách qua, thì không chỉ một địa phương biết cách lách. Và việc chỉ khởi tố Vũ Trọng Lương là chưa đủ… 

Trong hai ngày 19-20.7, tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tại Sơn La, Lạng Sơn đang tích cực làm việc để rà soát các dấu hiệu bất thường trong điểm thi thì nhiều chuyên gia tiếp tục chỉ ra những bất thường tại nhiều địa phương khác trên toàn quốc. Các chuyên gia cho rằng cần thiết rà soát trên diện rộng.

Quy trình vẫn có kẽ hở

Sau vụ gian lận thi cử ở Hà Giang gây chấn động dư luận cả nước, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức rà soát những bất thường trong điểm thi của Lạng Sơn, Sơn La. “Làn sóng” bất bình liên quan đến điểm thi đang tiếp tục lan rộng ra cả nước, khi Hòa Bình, Lai Châu rồi đến Kon Tum, Bạc Liêu… cũng có những thông tin nghi ngờ về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Trước diễn biến này, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GDĐT cần nhìn thẳng vào sự thật là quy trình chấm thi năm nay vẫn có kẽ hở, để những người tham gia trong công tác tổ chức thi lợi dụng quyền hạn của mình làm chuyện tiêu cực, gian lận thi cử.

Về điều này, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nêu quan điểm: Vụ việc ở Hà Giang là rất nghiêm trọng.

Ông Thắng cho rằng, để không lặp lại tình trạng này, để kỳ thi năm sau được tốt hơn, Bộ GDĐT cần có hướng dẫn việc tổ chức các kỳ thi ở địa phương một cách cụ thể, để từng khâu phải có người chịu trách nhiệm; phải có sự phối hợp của nhiều bộ phận và có sự kiểm tra của cơ quan quản lý, tránh tình trạng như đã xảy ra ở Hà Giang.

Ngoài ra, các sở GDĐT địa phương cần tăng cường các khâu trong quá trình tổ chức thi, tránh tình trạng một cá nhân có thể “tự tung tự tác” tác động vào nhiều khâu làm sai lệch hoàn toàn kết quả bài thi của rất nhiều thí sinh cùng lúc.

Cũng nêu quan điểm về vụ việc gian lận thi ở Hà Giang, cùng những nghi vấn bất thường về điểm thi ở một số địa phương khác, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư- đánh giá cao động thái của Bộ GDĐT khi liên tiếp cử các đoàn công tác đi xác minh những nghi vấn về kết quả thi THPT 2018 ở một số tỉnh vừa qua. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng không xử lý được vụ việc theo mong muốn của nhân dân thì cũng nên tiếp tục góp ý kiến.

Còn ông Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An - thì cho rằng Bộ GDĐT nên thanh tra, rà soát lại ở tất cả các địa phương, chứ không dừng ở việc nơi nào bị dư luận xã hội “điểm tên” thì mới vào cuộc rà soát như hiện nay. Việc thanh tra cần được thực hiện rốt ráo, nghiêm minh để lấy lại niềm tin của hàng triệu thí sinh “học thật, thi thật”.

Biểu đồ ngưỡng điểm thi do TS Lê Trường Tùng thực hiện.

Bộ GDĐT cần chủ động hơn trước khi để dư luận “lên tiếng”

Là người trực tiếp phân tích toàn bộ dữ liệu thi THPT 2018 (khoảng gần 1 triệu thí sinh với hơn 5 triệu bài thi), Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng đã “định dạng” hiện tượng một số nơi có dấu hiệu điểm thi bất thường.

Ông Tùng cho biết: “Mục tiêu gian lận thi cử là nâng điểm phục vụ cho xét tuyển vào đại học nếu không tính mục tiêu khác và nâng cho khá nhiều thí sinh (khoảng 1% trở lên - Hà Giang là 2%). Nếu làm cho số lượng lớn sẽ dẫn đến tỉ lệ bài thi điểm cao tăng lên đáng kể. Nếu chỉ sửa cho 1 số ít thí sinh thì sẽ giống như thí sinh đánh hú hoạ nên không thể hiện sự khác biệt trên biểu đồ”.

Tổng hợp các phân tích, theo ông Tùng, nhìn qua biểu đồ về khối thi đã thấy sự bất thường khá rõ rệt. Nếu phân tích điểm thi cho từng môn sẽ minh chứng những bất thường càng cụ thể hơn. “Như vậy hiện tại Hà Giang đã được Bộ GDĐT công bố có sai phạm, nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B.

Với Sơn La xuất hiện trong khối B, A1 đang được Bộ kiểm tra. Tỉnh Hòa Bình đã được báo chí đề cập có bất thường điểm thi. Cần phải xem xét thêm các tỉnh Lai Châu (xuất hiện trong khối A1 và khối B); Kon Tum, Điện Biên (thấp thoáng khối A và thực sự nổi bật trong khối B)”- ông Tùng nhận định. Riêng hai địa phương Lào Cai và Bạc Liêu, ông Tùng cho rằng, qua phân tích không thấy dấu hiệu nổi bật tại đây.

Chủ tịch Đại học FPT cũng cho biết: “Bộ GDĐT cần chủ động vào cuộc hơn trong xác định các dấu hiệu bất thường. Bởi Bộ GDĐT có toàn bộ dữ liệu, có đội ngũ chuyên gia phân tích hùng hậu thì sẽ có thể nhìn ra những điểm bất thường này chứ không cần đến khi dư luận lên tiếng” - TS Lê Trường Tùng thẳng thắn bày tỏ.

Khởi tố, bắt tạm giam bị can Vũ Trọng Lương

Ngày 20.7, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Hà Giang ra Quyết định Khởi tố bị can số 05, Lệnh bắt bị can số 04 để tạm giam 03 tháng đối với Vũ Trọng Lương (SN 24.10.1978 tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, người được xác định đã trực tiếp sửa (nâng) điểm hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang.

Ông Lương bị bắt, khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Hà Giang đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn