MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: Trần Lưu)

1 tỉ USD đầu tư cho giao thông vận tải ĐBSCL

TRẦN LƯU LDO | 10/08/2018 10:25
Sáng 10.8, Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ năm 2018 đã chính thức khai mạc. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng các Tập đoàn, Tổng Cty, các tổ chức quốc tế và hơn 500 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… 

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, đến nay, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2017 xếp hạng 10/63 tỉnh, thành (tăng 1 bậc so với năm 2016 và tăng 4 bậc so với năm 2015).

Ngày 7.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP.Cần Thơ. Nghị định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ, giúp đỡ vô cùng to lớn mà Trung ương, Chính phủ đã dành cho TP.Cần Thơ; đồng thời cũng tạo nên một tiềm năng to lớn cho sự phát triển của TP.

Bên cạnh đó, Cần Thơ đã và đang xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, an toàn, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư.

Ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Trên thực tế, với vai trò là trung tâm sản xuất thực phẩm của Việt Nam, vùng ĐBSCL cung cấp 57% sản lượng gạo (trong đó xuất khẩu lên đến 90%), và 70% sản lượng thủy sản (65% dành để xuất khẩu) cho cả nước. Tuy nhiên, trong khi phát triển với định hướng phục vụ xuất khẩu là chủ yếu, khu vực ĐBSCL chỉ thu hút được 5% tổng vốn FDI đã được cam kết ở Việt Nam.

Nhóm Ngân hàng thế giới đã và đang cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua một số dự án về cơ sở hạ tầng và phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL. Tổng vốn đầu tư trong ngành giao thông vận tải tại ĐBSCL cho đến nay lên đến khoảng 1 tỉ USD trong các lĩnh vực đường thủy nội địa, nâng cấp cảng, dịch vụ logistics và phòng chống lũ lụt.

Ông Achim Fock nhấn mạnh, vận tải xuyên biên giới cũng là một tiềm năng của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Ngân hàng thế giới rất vui mừng được phối hợp với Chính phủ Việt Nam xem xét một đề xuất dự án nhằm tăng cường vận tải xuyên biên giới giữa ĐBSCL với Campuchia.

Những hoạt động gần đây để xây dựng quy hoạch vùng do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Quyết định số 593, trong đó thí điểm hợp tác vùng tại khu vực ĐBSCL, nhấn mạnh sự phát triển hậu cần của khu vực phải là một phần không thể thiếu trong hệ thống hậu cần quốc gia, cần gắn kết với kế hoạch trong các lĩnh vực khác nhau và có sự phối hợp và giám sát phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn