MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ảnh: Bảo Bảo

1.000 dự án bất động sản đang mắc kẹt, chưa thể triển khai

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/10/2023 17:16

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8, cả nước còn khoảng 1.000 dự án bất động sản với hơn 410.000 căn đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.

Chiều 11.10, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam.

Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế thế giới.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng đầu năm có 165.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Theo ông Dũng, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, theo phản ánh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.

Khảo sát doanh nghiệp ngành sản xuất vào tháng 6.2023 của Navigos cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ 10-40% tổng doanh thu, trong đó, 44% doanh nghiệp ngành dệt may/da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20-40% doanh thu.

Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đây vẫn là nút thắt lớn nhất của thị trường.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 8 cả nước còn tồn đọng khoảng 1.000 dự án bất động sản (với hơn 410.000 căn) đang mắc kẹt, chưa thể triển khai vì vướng mắc pháp lý.

Tại buổi gặp mặt, Bộ KHĐT đề xuất nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp

Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng.

Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn