MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: BNV

1.201 cán bộ, công chức, viên chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp

Vương Trần LDO | 25/08/2023 14:44

Kỳ thi năm nay có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia, trong đó khối trung ương có 602 người, địa phương có 599 người.

Ngày 25.8, Hội đồng thi chuyên viên cao cấp năm 2023 - Bộ Nội vụ tổ chức Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên lên chuyên viên cao cấp năm 2023.

Kỳ thi năm nay có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia, trong đó khối trung ương có 602 người, địa phương có 599 người.

Trong số này, diện cán bộ lãnh đạo chiếm tỉ lệ cao. Riêng ở địa phương, thí sinh là Phó Chủ tịch HĐND, UBND có gần 40 người. Ở trung ương, cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ hoặc được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương cũng chiếm tỉ lệ rất cao.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, kỳ thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp là một hoạt động công vụ, nhưng tính chất công vụ đặt ra yêu cầu rất cao, để lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực, trình độ, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch thành chuyên viên cao cấp – bậc cao nhất của hệ thống chức danh công chức.

"Chính vì vậy, chúng tôi đặt ra những yêu cầu rất cao để lựa chọn được những cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực thực sự, có trình độ, có kiến thức", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, yêu cầu đặt ra với cán bộ ở cấp trung ương, khi được bổ nhiệm là chuyên viên cao cấp phải có khả năng nhận định, đánh giá, xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mang tầm vĩ mô và có khả năng tham mưu trên lĩnh vực hành chính những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra của các cơ quan trung ương.

Đối với địa phương, đó là những cán bộ có khả năng dự báo, đánh giá, tham mưu hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực ngành. Nhất là đối với lãnh đạo địa phương, phải có khả năng vừa tham mưu, vừa lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xây dựng chiến lược phát triển cho địa phương; có tầm nhìn, tư duy để đảm bảo được năng lực quản trị tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Để kỳ thi đảm bảo mục tiêu chất lượng, an toàn, hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị Hội đồng thi, Ban giám khảo, Ban coi thi, Ban ra đề, Ban giám sát thực hiện nghiêm quy định, quy chế, đúng vị trí, chức năng của mình; tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt pháp lý để thí sinh làm bài tốt nhất. Đảm bảo kỳ thi diễn ra an ninh, an toàn, nghiêm túc, không xảy ra tiêu cực.

Diễn ra từ ngày 26 - 31.8.2023, các thí sinh tham dự sẽ trải qua ba phần thi. Sáng 26.8, thí sinh thi trắc nghiệm trên máy vi tính môn kiến thức chung; chiều cùng ngày thi trắc nghiệm trên máy vi tính môn ngoại ngữ. Ngày 27.8, thí sinh viết đề án và từ ngày 28- 31.8, thi bảo vệ đề án.

Hội đồng thi tổ chức chấm thi theo quy định, thông báo kết quả và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả thi trong tháng 9.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn