MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà B1 khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Hải Nguyễn

133 công trình xây dựng cũ nguy hiểm tại Hà Nội: Cảnh báo rồi... để đó

Nhóm phóng viên LDO | 03/08/2017 06:32
Sở Xây dựng TP.Hà Nội vừa đưa ra 133 công trình đang ở trong tình trạng nguy hiểm, cần khoanh vùng chi tiết, chống đỡ, sơ tán tạm thời nếu cần thiết, ưu tiên đánh giá khảo sát chi tiết. Đây không phải là lần đầu tiên Sở Xây dựng công bố về mức độ nguy hiểm của những công trình xây dựng cũ.

Tuy nhiên việc khắc phục, đặc biệt là di dời dân sống ở công trình này đến nay vẫn không thực hiện được.

Cảnh báo nhiều lần...

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản số 254/TB-SXD về kết quả rà soát, kiểm tra an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Kết quả tổng hợp cho thấy, thành phố hiện có 603 danh mục công trình. Trong đó có 133 danh mục công trình đang ở trong tình trạng nguy hiểm, cần khoanh vùng chi tiết, chống đỡ, sơ tán tạm thời nếu cần thiết, ưu tiên đánh giá khảo sát chi tiết.

Ngày 31.7, một Phó GĐ Sở Xây dựng xác nhận với Lao Động, trong 133 công trình công cộng mức độ nguy hiểm này bao gồm nhà công vụ, chung cư cũ nhưng với công trình đã được kiểm định sẽ không đưa vào danh sách này.

Để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người đang sử dụng nhà ở và công trình công cộng, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý sử dụng công trình; các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình, nhà ở thực hiện ngay các biện pháp an toàn... Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm các nhà công vụ, chung cư cũ. Trong vài năm trở lại, hầu như năm nào cũng vậy, Sở Xây dựng hoặc UBND TP lại đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm các chung cư.

Cụ thể, trong năm 2015, Sở Xây dựng kiểm định được 42 trên tổng số 1.516 công trình nhà ở chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng đánh giá, đây là những chung cư đã hư hỏng, xuống cấp, qua kiểm tra đánh giá bằng phương pháp chuyên gia cũng xác định được mức độ hư hỏng nặng cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm cần phải di dời, chống đỡ.

Cuối năm 2015, tại buổi giao ban báo chí TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng từng tuyên bố, sẽ cưỡng chế các chung cư cũ không chịu di dời. Tới năm 2016, Hà Nội công bố 42 chung cư cũ ở tình trạng nguy hiểm. Trong số này có nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh phải di dời gấp.

Với hai chung cư này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - đánh giá, đã xuống cấp nghiêm trọng và yêu cầu UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng phối hợp bố trí nhà tạm cư và triển khai việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các nhà chung cư nguy hiểm mức độ D, trình UBND TP trước ngày 20.2.2016, nhưng việc di dời dân ở hai chung cư cũ nguy hiểm đến nay đã gần hai năm, các cấp chính quyền vẫn lúng túng và chưa đưa ra được giải pháp triệt để.

Khu A tòa nhà Ngọc Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong năm 2016, TP.Hà Nội đã công bố và đưa ra yêu cầu cần phải di dời dân gấp. Ảnh: Cao Nguyên

Dân đồng ý di dời, chính quyền chưa quyết liệt

Theo ghi nhận của PV tại hai tòa nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh, đây là hai tòa điển hình trong tình trạng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm này đã được cảnh báo từ năm 2016, khi chính quyền thông báo người dân phải di dời gấp. Tuy nhiên, thực tế tại đây thì hai tòa nhà này vẫn đang được người dân sử dụng.

Tại khu A, B Ngọc Khánh, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường ẩm mốc bị phồng rộp hoặc rất xốp, chỉ lấy tay đập hay xoa nhẹ là từng mảng vữa bị bong tróc. Nhiều vết nứt, độ nghiêng của tòa nhà cũng thể hiện khá rõ. Những chuồng cọp cái nhô ra, cái thụt vào vây kín xung quanh tòa nhà càng làm cho khu chung cư thêm nhếch nhác, bức bí.

Bà Chu Thị Điểm (70 tuổi, ở nhà B Ngọc Khánh) cho hay, hiện nay được thông tin dân cư phải di dời để xây dựng công trình mới. Khi có chủ trương, gần 100% hộ dân sinh sống tại đây đã đồng ý. Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa có quyết định chính thức việc di dời. Theo bà Điểm, việc sống trong một chung cư cũ có mức báo động nguy hiểm thì ai cũng muốn di dời đến nơi an toàn.

“Dù sinh sống ở đây cũng khá thuận tiện, từ ăn ở, đi lại đến các hoạt động công cộng, nhưng vì việc chung, nếu TP yêu cầu thì chúng tôi sẵn sàng. Vì an toàn cho gia đình, cho bản thân thì hơn bất cứ cái gì” - bà Điểm nói.

Còn tại tòa nhà G6A Thành Công, mức độ nguy hiểm của tòa nhà đến báo động khi chính quyền địa phương phải gắn biển để cảnh báo người dân. Theo thông báo, khả năng chịu lực của ngôi nhà đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Phía chính quyền đã đề nghị các đơn nguyên 1 và 2 tòa nhà G6A Thành Công chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện nay phần lớn chưa có nhà nào thực hiện việc này.

Ngoài ra còn khá nhiều chung cư cũ đang rất xập xệ cần được tu sửa như ở khu chung cư cũ 66 Cửa Bắc, khu chung cư 121 Lê Duẩn (Hoàn Kiếm), hay khu chung cư Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân)…

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Huy Toản - Chủ tịch phường Thành Công (quận Đống Đa) - cho biết, hiện nay trên địa bàn có một số chung cư cũ nguy hiểm mức độ 3, trong đó, có đơn nguyên 1 và 2 của tòa nhà G6A Thành Công. Sau khi được tuyên truyền, vận động 3/49 hộ dân ở đây đã ý thức và đã tự di chuyển đến chỗ mới. Có 9 hộ dân đang viết đơn để tiếp tục được phê duyệt di chuyển. Số còn lại chưa có phương án.

Cũng theo vị lãnh đạo này, một số hộ dân vì lợi ích cá nhân nên đã có động thái không muốn di dời, không hợp tác gây khó dễ cho phía chính quyền. “Do công trình đã đến mức độ nguy hiểm, chính quyền sở tại vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân sớm di chuyển”, vị lãnh đạo này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn