MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên và học sinh trường THCS Phương Mai (Hà Nội) trong Ngày Sách và Văn hóa đọc. Ảnh: Hanoi.gov.vn

15.000 cán bộ giáo viên Hà Nội sẽ ăn lương tự chủ

Lam Duy LDO | 18/10/2023 16:30

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm tại Hà Nội và là vấn đề bức xúc của các cơ quan, đơn vị. Cùng với thực trạng bất cập về số lượng (thiếu giáo viên, nhân viên), cơ cấu giáo viên, cũng xuất hiện tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới.

Ngày 18.10, theo tìm hiểu của Lao Động, để giải quyết tình trạng này, Sở Nội vụ đang tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố phân cấp cho các quận, huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức để ưu tiên cho giáo dục.

Thực tế tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức chiều 17.10, bà Nguyễn Thị Liễu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, giai đoạn 2017-2021, thành phố không cắt giảm biên chế giáo dục mà thậm chí còn tăng thêm khi thêm trường thêm lớp. Bước sang năm học 2022-2023, do không cân đối được mới phải cắt giảm 2%.

Một nội dung đáng chú ý là trước khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ tham mưu cho HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị tự chủ dưới 10% theo đó được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức tăng. Các đơn vị tự chủ trên 70%, được chủ động ký hợp đồng lao động tuỳ nguồn thu. Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị.

Sở Nội vụ cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo. Trong năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì với Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố, tiến tới thí điểm với các cơ sở giáo dục.

Số liệu của Sở Nội vụ công bố cho thấy, đến nay, có 296 đơn vị đăng ký thí điểm năm học 2023-2024, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã.

Theo cơ chế này, khi rà soát biên chế năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ. Bước sang năm 2024 các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên. Khi đó, gần 15.000 người là cán bộ giáo viên sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự chủ.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu, với 15.000 biên chế này sẽ cân đối chỉ tiêu thiếu của các cơ sở và đảm bảo được chỉ tiêu của năm. Sau thí điểm, nếu được triển khai chính thức, đơn giá được triển khai diện rộng, giải pháp này sẽ được thực hiện căn cơ và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.

Một giải pháp tiếp theo là cho các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tuyển dụng giáo viên. Với một số môn học không tuyển được hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn, sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội đặt hàng cử nhân sư phạm theo Nghị định 16/2020 của Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn