MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phong Linh

19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phong Linh LDO | 14/03/2023 11:06
Ngày 14.3, tại Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc; rà soát, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu tại đồng bằng sông Cửu Long; những vấn đề nổi lên qua quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Phát biểu định hướng thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung những chương, điều cụ thể hóa; quy định chương, điều gắn với sự phát triển của miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là đất nông nghiệp, hạn điền, vấn đề đền bù... và quan điểm khi sử dụng đất.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Phong Linh

Đại diện TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND Trần Việt Trường đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Về kế hoạch sử dụng đất, đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn, vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 01 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 2, Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 5 năm, cấp huyện là hàng năm).

Riêng vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai, tại Hội nghị, đại biểu đánh giá còn nhiều bất cập.

Theo đó, quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, điều này gây khó khăn cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp. 

Đáng nói, đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ.

Đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu tại Hội nghị mong loại bỏ cụm từ "cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp" trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đại diện TP Cần Thơ cho rằng vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai còn nhiều bất cập. Ảnh: Phong Linh

Về quản lý, sử dụng đất nông trường, từ thực tiễn của Cần Thơ trong quá trình quản lý đối với 2 nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ, đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung, điều chỉnh các nội dung sau: 

Cần bổ sung thêm nội dung vào Khoản 2, Điều 175 “Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng”; Đề nghị bỏ điểm c, Khoản 3, Điều 175 “Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất;” Đề nghị điều chỉnh điểm b, khoản 3, Điều 175 “Giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;” thành “Cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;”.

Đồng thời, đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa thêm nội dung điều kiện thu hồi đất giao khoán cho các nông trường viên tại các nông, lâm trường để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách cải tạo các nông, lâm trường tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, nhằm đưa đất vào sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Xem Toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - lấy ý kiến lần 2 TẠI ĐÂY

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn