MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn ngày 30.6 tại Kon Tum. Báo: Kon Tum

24 người nghi phơi nhiễm HIV từ vụ TNGT ở Kon Tum, cần phải làm gì?

L.Hà LDO | 02/07/2017 15:50
Một trong bốn nạn nhân tử vong sau vụ TNGT do hai xe ô tô lao vào nhau tại tỉnh Kon Tum hôm 30.6 có nhiễm HIV. Điều đáng lưu ý, 17 y bác sĩ và 7 người dân - những người đã tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân vào viện, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm - nay có nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV.  
Không phải cứ tiếp xúc với máu, dịch có HIV là nhiễm
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV. Theo đó, phơi nhiễm với HIV là tình huống rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV đều dẫn đến nhiễm HIV. Tuy vậy, do thông tin hoặc hiểu biết không đầy đủ nên một số người quá lo lắng trong khi một số khác lại không biết nên bỏ qua “khoảng thời gian vàng” không điều trị dự phòng kịp thời.
Phơi nhiễm với HIV là tình huống xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phơi nhiễm với HIV do tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra ở những người làm nghề y do bị kim đâm khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, vết thương do dao mổ và các dụng cụ y tế sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh gây tổn thương. Phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp cũng còn gặp ở một số ngành như công an, quân đội... khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm.

Phơi nhiễm với HIV không do nghề nghiệp là những trường hợp phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể có khả năng làm lây nhiễm HIV không liên quan đến nghề nghiệp. Thường gặp ngoài cộng đồng như quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; sử dụng chung bơm kim tiêm với người nghiện chích ma tuý; vết thương do đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được, thậm chí là vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu…
Trong các nạn nhân của vụ tai nạn có người nhiễm HIV.
Xử trí đúng cách
Với 24 người có liên quan nghi ngờ phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân vào viện, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV trong vụ tai nạn ở Kon Tum, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị các phòng chức năng của Cục như phòng truyền thông, phòng điều trị, phòng giám sát – xét nghiệm khẩn trương liên hệ với Sở Y tế tỉnh Kon Tum để triển khai gấp nhiều đầu việc. Trong đó hướng dẫn địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định.
Cũng theo ông Hoàng Đình Cảnh, các bước xử lý phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp và ngoài môi trường nghề nghiệp sẽ khác nhau.
Xử lý khi phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp: Xử lý vết thương tại chỗ bằng cách rửa ngay vết thương dưới vòi nước, nếu vết thương chảy máu, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt phải rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua mũi, miệng cũng phải rửa mũi hoặc xúc miệng bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần. Sau đó, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc để xác định phơi nhiễm đó có nguy cơ hay không có nguy cơ giúp việc quyết định điều trị ARV; đồng thời có tư vấn cho người có nguy cơ…
Xử lý khi phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp bằng cách đánh giá về tình trạng nhiễm HIV; phạm vi, tần suất và thời gian có nguy cơ phơi nhiễm; nhiễm HIV của nguồn lây nhiễm. Tiến hành các xét nghiệm ban đầu của người gây phơi nhiễm cho người gây phơi nhiễm nếu chưa biết tình trạng nhiễm HIV và tiến hành điều trị dự phòng bằng thuốc ARV nếu thấy cần thiết.
Cũng theo ông Cảnh, chỉ điều trị ARV cho người phơi nhiễm khi có chỉ định của thầy thuốc sau khi đã được tư vấn về nguy cơ lây nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV. Người dân không tự mua thuốc để dùng theo người không có chuyên môn mách bảo. Thời gian điều trị dự phòng sau phơi nhiễm nên được bắt đầu càng sớm càng tốt cho tất cả đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Quá trình điều trị có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn