MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch ASEAN 2020 - phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, ngày 26.6.2020. Ảnh: Sơn Tùng

25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam khẳng định vị thế khu vực và thế giới

Song Minh LDO | 28/07/2020 08:45
25 năm kể từ ngày gia nhập ASEAN (28.7.1995 - 28.7.2020), Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế, trở thành thành viên tích cực, đóng vai trò chủ động dẫn dắt, hướng ASEAN đến hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong tương lai, đồng thời nâng cao hình ảnh của một Việt Nam chủ động, có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhận định, kể từ khi gia nhập ASEAN vào ngày 28.7.1995, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN. TTXVN dẫn lời Tổng thư ký Lim Jock Hoi nhấn mạnh, thành công kinh tế, sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo có tầm nhìn, cùng “năng lượng mạnh mẽ” của người dân Việt Nam là những “tài sản” cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Theo Tổng thư ký ASEAN, trong thời gian nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020, Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán trong việc điều hành khu vực nhằm thực hiện các ưu tiên quan trọng. Đặc biệt, Tổng Thư ký Lim Jock Hoi cho rằng, Việt Nam đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của ASEAN trong 25 năm qua. Khi bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên vào các vấn đề có ý nghĩa, trong đó Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng, như biến đổi khí hậu, sự phối hợp giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN…

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chủ động vươn ra thị trường toàn cầu qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại cả song phương lẫn đa phương, trong đó mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định bảo hộ đầu tư và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EU).

Gia nhập ASEAN được coi là bước đột phá đối với Việt Nam, tạo nền tảng cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia xu thế toàn cầu hóa cũng như tự do hóa thương mại. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57 tỉ USD, tăng gấp 10 lần cách đây 25 năm và chiếm tỉ trọng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Đáng lưu ý, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỉ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và tăng 30% so với năm 2016. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Bên cạnh đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc.

Vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN

Đánh giá về sự chuyển mình nhanh chóng của Việt Nam trong ASEAN để trở thành thành viên tích cực, chủ động trong khối, VOV dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN (Quan chức cấp cao ASEAN), cho hay: “Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tham gia chủ yếu để lắng nghe, tìm hiểu, học hỏi, Việt Nam đã chủ động hơn, tham gia tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn trong các công việc chung của Hiệp hội. Trong đó, việc đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001, Chủ tịch ASEAN 2010 và Chủ tịch ASEAN 2020 là những dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, từ một vài nội dung hợp tác ban đầu, đến nay các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia rộng rãi và có đóng góp tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó Việt Nam đã giữ được vai trò dẫn dắt, đi đầu ở một số nội dung, nhất là thúc đẩy duy trì đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng là chỗ dựa tinh thần quan trọng của nhiều nước thành viên trong ASEAN. Tiếng nói và lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề được các nước ủng hộ và coi trọng. Việt Nam đã góp một phần không nhỏ nâng cao vị thế và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Một dấu ấn đặc biệt của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan theo hình thức trực tuyến vào tháng 6.2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Với Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp khi 10 nước ASEAN thể hiện sự đồng lòng, nhất trí phối hợp để ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội trong khu vực. 

Tổ chức thành công sự kiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, chủ động và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên trong năm 2020 này. Trao đổi với Lao Động, Giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia - cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thành công nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của Việt Nam. “Việt Nam đã thúc đẩy phản ứng gắn kết và chủ động của ASEAN một cách nhanh chóng, tái tập trung ưu tiên cho dịch bệnh, thay thế các hội nghị truyền thống bằng hội nghị trực tuyến, tập trung vào phản ứng của ASEAN đối với COVID-19, bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Tôi cho rằng công việc này vẫn sẽ tiếp tục sau khi Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020” - Giáo sư Carl Thayer nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn