MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023. Ảnh: Phạm Đông

263 đại biểu thiếu nhi họp phiên giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/09/2023 10:37

Tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề liên quan tới trẻ em.

Sáng 10.9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, phiên toàn thể phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" đã diễn ra. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc phiên họp giả định.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Phiên họp 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu tới từ 63 tỉnh, thành phố cùng Ban Tổ chức, Ban Cố vấn phiên họp, các Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn; Thường trực các tỉnh, thành đoàn; Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu tham dự phiên họp giả định. Ảnh: Phạm Đông

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; khẳng định sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em“. Ảnh: Phạm Đông

Tại phiên họp giả định, đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các ý kiến của đại biểu trẻ em nêu trong phiên họp giả định sẽ được gửi đến lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội.

Tham gia phiên họp giả định, em Lê Đoàn Gia Hân (Đại biểu trẻ em TPHCM) chia sẻ: “Làm thế nào để trẻ em tăng cường được khả năng tự vệ? Trẻ em không tự mình làm hết được mà phải cần có người lớn bên cạnh để hỗ trợ cũng như trò chuyện tâm sự với các em về tuổi mới lớn hay các kỹ năng sống hàng ngày”.

Em Lê Đoàn Gia Hân mong rằng trường, lớp sẽ tạo nhiều tình huống giả định để trẻ phát huy được khả năng đối phó kẻ xấu của mình. Đưa ra các quy tắc “an toàn” và “không an toàn”, nói không với những cuộc đàm phán từ người lạ và nói có với sự giúp đỡ của người thân.

“Từ nhà trường, gia đình đến xã hội hãy cùng chung tay dạy trẻ em các kiến thức về giáo dục giới tính để trẻ em tự bảo vệ bản thân. Em mong rằng các bậc cha mẹ phụ huynh hay là giáo viên dạy trẻ, các anh chị phụ trách thiếu nhi sẽ quan tâm, gần gũi, đem đến sự an toàn cho các trẻ em cũng như học sinh. Quan trọng hơn nữa là cần có những hình phạt thỏa đáng cho những hành động thiếu suy nghĩ của người gây ra”, Lê Đoàn Gia Hân kiến nghị.

Đại diện cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa tham dự phiên họp, em Giàng Thanh Thảo (đại biểu trẻ em tỉnh Hà Giang) cho biết, đây là cơ hội để em thay mặt các bạn nói lên tiếng nói của trẻ em tại diễn đàn Quốc hội.

Em Giàng Thanh Thảo mong muốn và tin tưởng, thông qua phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, những vấn đề nổi cộm liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban ngành quan tâm giải quyết căn cơ để trẻ em được phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn