MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

3 cơ quan đề xuất cơ chế xử lý hình sự việc làm giàu bất hợp pháp

Lam Duy LDO | 17/10/2023 11:47

Cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp là biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và siết chặt việc kê khai tài sản, thu nhập.

Ngày 17.10, theo thông tin mà Lao Động có được, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có chức năng trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đang tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.

Trong đó Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn các nội dung liên quan để đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp.

"Đây cũng chính là biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và siết chặt việc kê khai tài sản, thu nhập" - Thanh tra Chính phủ cho hay.

Đáng chú ý để siết chặt các quy định về kê khai tài sản góp phần tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3.2022 phê duyệt Đề án 390 “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

Đây là các dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Trong báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV gửi các đoàn đại biểu Quốc hội cách đây ít ngày, Thanh tra Chính phủ cho hay đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 390 nói chung và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước nói riêng.

Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý, nhiều tài sản vụ tham nhũng được thu hồi.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng gắn chặt với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế; thụ lý điều tra 11 vụ/46 bị can; trong đó khởi tố mới 05 vụ/34 bị can, án cũ chuyển sang 06 vụ/12 bị can.

Thiệt hại trong các vụ án thụ lý ước tính trên 981 tỉ đồng; tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý đạt trên 924 tỉ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản (trị giá khoảng trên 100 tỉ đồng).

Đến nay đã ban hành kết luận điều tra 7 vụ/28 bị can và đang tiếp tục điều tra 4 vụ/18 bị can.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn