MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn)

3 điểm/môn vẫn đỗ ngành sư phạm: Đúng là “thảm họa”!

Đặng Chung LDO | 08/08/2017 14:47
Sau khi Lao Động đăng tải bài viết “Trường sư phạm có điểm chuẩn quá thấp, thí sinh vẫn “thờ ơ”", nhiều bạn đọc đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về bức tranh điểm chuẩn của ngành sư phạm năm nay. Thậm chí có bạn đọc đã thốt lên: “Đúng là thảm họa!” trước thông tin chỉ cần đạt 3 điểm/môn vẫn có thể đỗ vào các trường sư phạm, trở thành những giáo viên trong tương lai.

Sư phạm “rớt giá” thảm hại!

Trong 7 trường ĐH sư phạm được Bộ GDĐT “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới, phục vụ cho công cuộc cải cách giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm TPHCM, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Vinh và ĐH Sư phạm Đà Nẵng), chỉ có hai trường là ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM có điểm chuẩn 2017 tạm ổn (có ngành lấy 27,75 điểm) còn lại chỉ từ điểm sàn hoặc nhích hơn một chút.

Với đề thi được đánh giá là dễ như năm nay, thí sinh đạt được 15,5 điểm không phải là những người thực sự xuất sắc, nếu không nói là chỉ có học lực trung bình. Đặc biệt, so với bức tranh điểm chuẩn năm 2017, trong khi nhiều ngành đào tạo có điểm đầu vào cao hơn năm ngoái, thì ngành sư phạm bị “rớt giá” vì có điểm trúng tuyển tụt lùi. Nhất là các trường ở địa phương có điểm chuẩn thấp kỷ lục, thậm chí thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm/3 môn cũng đỗ.

Ở trung tâm thủ đô Hà Nội, Cao đẳng Sư phạm Trung ương chỉ yêu cầu thí sinh trúng tuyển đạt từ 4,3 điểm thi THPT quốc gia mỗi môn.

Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh lấy 9 điểm đầu vào cho nhiều mã ngành. Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đều lấy 10 điểm thi THPT Quốc gia làm chuẩn đầu vào.

Trong khi đó, Bộ GDĐT đang gấp rút chuẩn bị đưa chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đi vào thực tế, mở đầu bằng việc soạn thảo, ban hành chương trình SGK mới. Thử hỏi 3 - 4 năm nữa, những lứa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm, mà điểm chuẩn vào trường chỉ bằng điểm sàn, hay 9 điểm/3 môn,  có đủ sức “gánh” được những gì mà mục tiêu đổi mới đưa ra? Tương lai đất nước sẽ đi về đâu trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0, khi mà sư phạm vẫn là nghề của những “chuột chạy cùng sào”, là sự lựa chọn “ngoài ra” khi không còn sự lựa chọn, hay không đỗ được trường nào khác?

Điểm trúng tuyển đợt 1 của Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, nhiều ngành lấy 9 điểm/3 môn.

Đừng để con em sau này gánh chịu hậu quả do sai lầm của hôm nay

Tại sao các thí sinh điểm cao, những người giỏi đổ xô vào các trường công an, quân đội? Tại sao nhiều trường sư phạm được miễn, giảm học phí vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu? Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) - chỉ ra thực tế: “Các trường công an, quân đội đều được đảm bảo đầu ra. Nếu các sinh viên sư phạm ra trường xin được việc làm ngay, tôi tin rằng đây vẫn là một ngành hot. Muốn làm được, các trường sư phạm, Bộ GDĐT cố gắng thôi chưa đủ, mà cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc giải quyết đầu ra cho các sinh viên sư phạm”.

Bạn đọc Hồng Hà - bày tỏ sự chua xót: “Đây là một thực trạng buồn! Đây là hậu quả của việc mở tràn lan đại học, tỉnh nào cũng có ĐH. ĐH đa ngành mà ngành sư phạm là dễ mở nhất. Các trường chỉ đào tạo để lấy số lượng đầu ra chứ chẳng biết có nhu cầu không? Hậu quả của nạn này là không ai muốn vào sư phạm, không phải là do thu nhập thấp, mà là do thất nghiệp cao. Rồi hậu quả tiếp theo là "cùng sào mới vào sư phạm"! Vậy thì làm sao có thầy giỏi được hỡi các vị? Tôi nghĩ nên dừng giao chỉ tiêu cho các ngành sư phạm ở địa phương. Đừng để con em sau này gánh chịu hậu quả do sai lầm của chúng ta hôm nay”.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận một thực tế, nhiều giáo viên hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của đổi mới. Bộ trưởng đưa ra ví dụ từ mô hình trường học mới VNEN, vì chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, dẫn tới việc triển khai chưa đạt yêu cầu.

Từ bài học của VNEN cho thấy, phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược, quyết định chất lượng giáo dục. Mọi cải cách có hay, có tốt, nếu giáo viên không đủ năng lực truyền tải thì cải cách đó cũng khó thành công.

Vì thế, trước khi bắt tay thực hiện các dự án đổi mới giáo dục, trước tiên cần chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng giáo viên, trong đó chăm lo đến đầu vào và đầu ra của các trường sư phạm hiện nay  – những cái nôi đào tạo nên những giáo viên tương lai của đất nước. Nếu không, sẽ thành “đi ngược”, e rằng khó tránh những thất bại tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn