MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3 tướng tranh luận về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát

VƯƠNG NGUYÊN CHUNG LDO | 21/05/2020 18:25

Nội dung về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.

Có chồng chéo chức năng?

Chiều 21.5, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Vấn đề bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết ĐBQH có hai loại ý kiến đồng tình và không đồng tình.

Thảo luận nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm cho rằng, với ý kiến từ trước đến nay có một số đơn vị giám định kĩ thuật cho nên dẫn đến quá tải là lý do chưa phù hợp.

“Nếu vì lý do này mà cần lập thêm phòng giám định thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là không phù hợp. Tại sao chúng ta không thành lập thêm tổ chức giám định trong công an các tỉnh, công an các địa phương?” – ông Hồng đặt câu hỏi.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: Quochoi.vn

Vấn đề thứ hai, về lý do thời gian giám định về âm thanh, hình ảnh từ 2 ,3 đến 5 tháng mới có kết luận trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, lý do này là không thoả đáng. Theo ông, lí do kéo dài thời gian khởi tố vụ án, khởi  tố bị can điều tra vụ án không chỉ phụ thuộc duy nhất vào cái kết quả điều tra giám định này.

Vấn đề thứ ba, ông Hồng cho rằng nếu bổ sung chức năng này cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.

Để tránh oan sai

Nêu một quan điểm khác, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cao như hiện nay.

“Việc thiết kế cho ban giám định ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xuất phát từ nhu cầu này và được quy định tại Khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự khi nói giữa mối quan hệ giữa viện kiểm sát với cơ quan điều tra “đó là viện kiểm sát trong quá trình kiểm soát hoạt động điều tra có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong một số trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu chứng cứ khi xem xét phê chuẩn của cơ quan điều tra… hoặc trường hợp phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm vi phạm pháp luật mà viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục nhưng cơ quan điều tra không khắc phục thì viện kiểm sát làm” – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nói.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ. Ảnh Quochoi.vn

“Tôi đặt giả định trường hợp quá trình giám định âm thanh, hình ảnh được cơ quan giám định Bộ Công an giám định nhưng khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giám định lại phát hiện ra vấn đề khác thì sẽ kết luận như thế nào” – ông Bộ nói và dẫn ví dụ “trong lịch sử tư pháp Việt Nam của chúng ta có vụ Tùng Dương ở cầu Chương Dương biết bao lần giám định ở bên công an không ra được nhưng khi giao cho giám định bên quân đội lại ra được”. Do đó, ông Bộ đồng tình với quan điểm nên bổ sung phòng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Tranh luận về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) –  Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An  cho hay, theo Báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trong 8 năm từ năm 2012 tới giờ, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói.

“Và trung bình mỗi năm chỉ có 8 vụ thôi, anh em ngoài đó ngồi chơi, không có việc làm đâu. Cho nên chúng tôi phát biểu với việc mang tính chất thống nhất thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Đảng về Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh gọn, bộ máy, tổ chức và không thành lập các cơ quan nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tiễn” – ông Cầu nói.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng tranh luận với ý kiến “ghi âm, ghi hình nhiều nên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phải liên tục giám định” là chưa đủ cơ sở.

Theo ông Cầu, nền tư pháp ngày càng phát triển thì vấn đề oan sai ngày càng giảm đi chứ không phải chúng ta ghi âm ghi hình thì phát hiện ra nhiều oan sai.  

“Tôi nghĩ như thế hoàn toàn không đúng với cải cách tư pháp của chúng ta, không đúng với thực tiễn hiện nay” – ông Cầu nói và cho rằng các ĐBQH cần xem xét thận trọng vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn