MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường dự án cao tốc phía Đông, đoạn thuộc huyện Châu Thành, Hậu Giang. Ảnh: Văn Sỹ

30 bộ ngành, cơ quan vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 30/03/2023 06:12

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng mới chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch. Bên cạnh đó, còn có nhiều tồn tại trong việc phân bổ kế hoạch vốn ở các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. 

Tỉ lệ giải ngân đạt thấp

Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 2 tháng, ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2023.

Theo đó, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31.3 là 73.192,092 tỉ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 72.231,249 tỉ đồng (đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 960,843 tỉ đồng (đạt 3,43% kế hoạch).

Có 2 Bộ và 15 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số Bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).

Có 49/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Về nguyên nhân, theo báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tỉ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao do hiện nay các Bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

Đối với vốn nước ngoài, dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.

Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định. 

Nhiều tồn tại trong phân bổ kế hoạch vốn

Qua rà soát của Bộ Tài chính, có một số tồn tại trong việc phân bổ vốn kế hoạch vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. 

Cụ thể, phân bổ cho dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư (Bộ Xây dựng; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt (Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).  Phân bổ kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án không được giao vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (Ban Quản lý Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam). 

Phân bổ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cho một số dự án không thuộc danh mục; phân bổ cho một số dự án vượt quá mức vốn dự kiến bố trí từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (Bộ Giao thông Vận tải); giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội khi chưa được Thủ tướng Chính phủ giao (Thái Bình, Hà Giang). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn