MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đại học FPT. Ảnh: FPT

30 điểm vẫn trượt đại học... ngộ quá!

Huyên Nguyễn LDO | 02/08/2017 18:44
"Thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học. Điều này tạo nên bức tranh… tương đối buồn cười. Nếu tôi là hiệu trưởng của trường đó, tôi rất vui sướng khi có thể “ôm” tất cả thí sinh điểm cao. Không lấy hết được các thí sinh giỏi là điều thiệt thòi đối với các trường”, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT cho hay.

Nguyên tắc điểm chuẩn chỉ dừng ở mức 30 điểm

Theo TS Lê Trường Tùng, hình thức thi hầu hết các môn đều trắc nghiệm như năm nay dẫn đến những điều bất ngờ trong kết quả thi. Điều bất ngờ thứ nhất phải kể đến chính là số lượng các thí sinh đạt điểm 10. Theo thống kê, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia có tới hơn 4.150 điểm 10. Con số này nhiều gấp 60 lần năm ngoái. Cũng theo thống kê, có 13 em đạt điểm 30 (khối A: 3, khối B: 10, các khối khác không có em nào). Các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng. Điểm ưu tiên từ 0,5 đến 2,5 điểm.

Điều đặc biệt thứ 2 là điểm chuẩn cũng đạt mức kỉ lục, thậm chí có trường lấy điểm chuẩn bằng điểm tuyệt đối 30 điểm, thậm chí cao hơn mức 30 điểm.

“Trong suốt mấy chục năm tổ chức thi đại học, chưa có năm nào lại như vậy. Tuy nhiên, dù điểm như thế nào thì kỳ thi cũng đang đảm bảo nguyên tắc mà các năm trước không dễ đạt được đó là nguyên tắc công bằng cho thí sinh. Nguyên tắc thí sinh điểm cao, có nguyện vọng vào trường thì sẽ có cơ hội đỗ.

Vấn đề đặt ra là điểm chuẩn quá cao. Thực tế, rất nhiều thí sinh và phụ huynh bị “vỡ mộng” do mức điểm cao 28, 29 thậm chí 30 mà vẫn trượt nguyện vọng 1 như thường”, ông Tùng cho hay.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT cho rằng, về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30 điểm. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay dẫn đến tình trạng thí sinh đạt điểm tối đa 3 điểm 10 nhưng trượt đại học. Điều này tạo nên bức tranh… "tương đối buồn cười". Tất nhiên cũng "ngộ quá" - lấy điểm chuẩn 30 mà vẫn vượt chỉ tiêu...

Thí sinh điểm cao trượt do điểm ưu tiên?

Trước vấn đề dư luận băn khoăn vì nhiều thí sinh trượt do không được cộng điểm ưu tiên, ông Tùng cho biết, mọi năm cộng điểm ưu tiên là bình thường nhưng năm nay lại trở thành vấn đề. Ông Tùng nhận định, vì điểm chuẩn cao quá nên khi thí sinh trượt, mọi người nghĩ rằng có nhiều em được chèn điểm ưu tiên. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý của năm nay là việc một số trường lấy điểm chuẩn trên 30.

“Theo Quy chế của Bộ GDĐT, điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh ở mức dưới 30 điểm nhưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn là 30,5", TS Tùng phân tích. 

Cũng theo ông Tùng, trường hợp nếu lấy thí sinh 30 điểm mà vượt quá chỉ tiêu, trường đó nên lấy thêm và năm sau giảm chỉ tiêu xuống, là cơ hội để có nhiều thí sinh giỏi. Số lượng này cũng không phải quá lớn. Chuyện lấy thêm 10 – 20 em so với 1 trường đại học không phải là chuyện lớn vì đào tạo là cả một quá trình dài.

“Nếu tôi là hiệu trưởng của trường đó, tôi rất vui sướng khi có thể “ôm” tất cả thí sinh điểm cao. Điều này giải quyết riêng được cho bài toán tuyển sinh năm 2017, tránh trường hợp thí sinh 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Và không lấy hết được các thí sinh giỏi là điều thiệt thòi đối với các trường”, TS Tùng nêu ý kiến. 

Bàn về việc ra đề thi, TS Lê Trường Tùng cho rằng: Ra đề là một việc khó bởi ngân hàng đề hiện nay của chúng ta chưa đủ phong phú để yên tâm tạo ra một đề mà chưa dùng ở những năm trước. Công việc này đòi hỏi một khoảng thời gian tích luỹ rất dài. Việc ra đề đảm bảo yếu tố xét tốt nghiệp và thi đại học lại càng khó hơn, vì thế, trong thời gian tới, công việc ra đề còn nhiều vấn đề phải trau dồi hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn