MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Mai Thị Hoa - Vợ liệt sĩ Trần Văn Phương đọc lại những dòng thư cuối của đồng đội chồng. Ảnh: Phương Linh

34 năm sự kiện Gạc Ma: Còn đó những dòng thư viết vội

P.Linh LDO | 12/03/2022 06:30

Cuộc chiến Gạc Ma năm 1988 đã 34 năm nhưng những dòng thư viết vội của những anh lính trẻ ngày nào vẫn còn vang vọng mãi.

Trong “bảo tàng” Gạc Ma có một bức thư đặc biệt, bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (xã Mê Linh huyện Đông Hưng, Thái Bình). Những trang giấy đã ngả màu cát, bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê thôn Hậu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) gửi về cho gia đình trước khi ra quần đảo Trường Sa. Lá thư viết tại Cam Ranh ngày 6.3.1988. Bức thư này được đích thân mẹ liệt sĩ trao tặng cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ngày trao kỷ vật này cho đoàn sưu tầm mẹ Nguyễn Thị Gái - Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương đã nghẹn ngào như lúc mẹ nhận bức thư. Mẹ bảo: “Đây là lá thư cuối cùng mà Phương gửi về cho gia đình. Trong bức thư ấy nó dặn dò gửi gắm đủ thứ. Và không quên nói “còn gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về...”. Như một dự cảm không lành, bởi không thể ngờ rằng hơn 1 tuần  sau, anh Phương đã cùng đồng đội đã hy sinh.

Với mẹ Phan Thị Đay - mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn (quê xã Ninh Ích, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cứ gần đến ngày 14.3 lại cồn cào không ngủ được. Lần mở những tập vở trang thư còn lại của liệt sĩ Tuấn đôi mắt già nua lại chảy. “Viết thư về bao giờ cũng kể chuyện này chuyện kia, dặn người này người khác. Thương nữa là ngày nó đi cô gái gần nhà thầm thương vẫn sang nhà tôi chờ mong nó” - mẹ Đay kể. Cô bạn gái của liệt sĩ Võ Đình Tuấn đã dành của quãng thanh xuân để chờ và cả những dòng thư đáp lại của chị cho đến những ngày anh ra đi 20 năm sau mới được gửi vào sóng nước Trường Sa gửi về cho anh.

Trong hành trình đi tìm những  kỷ vật cho anh, chúng tôi gặp được rất nhiều những lá thư viết vội đầy xúc động. Và cả những là thư không bao giờ đến như lá thư của con gái Trần Thị Thu Hà gửi cho bố là AHLLVT liệt sĩ Trần Đức Thông ngày 20.3.1988, đến Bưu điện Cam Ranh ngày 28.3.1988. Trong chuyến đi về Khu tưởng niệm Gạc Ma, chị Hà chia sẻ: “7 ngày sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, tôi lúc đó còn nhỏ đâu biết tin bố hy sinh nên vẫn viết thư cho ông. "Con ngồi vào bàn mà không sao học được vì lúc đó là buổi ca nhạc 7h30-8h toàn hát những bài về Trường Sa. Lúc này, con nhớ bố vô hạn". Lá thư vĩnh viễn không đến tay bố tôi cho đến bây giờ”. Trong bức thư ấy cô con gái nhỏ của liệt sĩ Trần Đức Thông vui mừng thông báo với bố đã nhận được 50kg gạo và 140.000 đồng ông gửi theo đoàn công tác của Lữ đoàn 147 cho ba mẹ con ở nhà. "Cả nhà không biết và cũng không ai tin ông hy sinh. Bởi vì sau ngày 14.3, cứ cách vài ba ngày, mẹ con tôi lại nhận được những lá thư ông viết, hỏi thăm tình hình ở nhà, bảo đừng lo lắng khi ông đi làm nhiệm vụ. Kể cả khi nhà biết tin rồi mà vẫn nhận được thư", chị Hà kể lại. Và mãi về sau này chị Hà mới biết trước khi xuống tàu đi đảo, trung tá Thông đã viết rất nhiều thư rồi dặn dò người lính liên lạc cách vài ngày mới chuyển cho vợ con để mọi người yên tâm. 

Ngày 13.3, Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng sẽ tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hình liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Một lễ giỗ tập thể đã được ban quản lý cùng các đồng đội và nhân dân cả nước tổ chức hàng năm vào ngày này từ khi Khu tưởng niệm được hoàn thành đi vào hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn