MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan đồi A1. Ảnh: Văn Thành Chương

39 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, giành giật từng tấc đất trên đồi A1

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 26/04/2024 10:23

Đúng 70 năm trước, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết định thì đồi A1 là nơi diễn ra những trận đánh cam go, ác liệt nhất kéo dài suốt 39 ngày đêm. Đã có hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam mãi mãi nằm xuống trong trận chiến này.

70 năm đã trôi qua song dấu tích chiến tranh vẫn còn đó, trên đồi A1, những hàng dây thép gai, những hầm hào công sự, lô cốt và cả hố bộc phá của khối nổ ngàn cân... Trên đỉnh đồi, hai cây phượng vĩ cứ đến mùa chiến dịch là lại nhuốm 1 màu đỏ rực rỡ gợi nên ký ức hào hùng với những trận chiến đỏ lửa trong những ngày Hè lịch sử.

Có mặt tại đỉnh đồi A1 vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi may mắn có dịp trò chuyện với ông Trương Sỹ Trì - chiến sĩ Điện Biên thuộc Trung đoàn 174 Đại đoàn 316.

Năm nay đã tròn 90 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những tháng ngày cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

“Khi trận chiến đấu vào giai đoạn cam go, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đào hào trên đồi A1. Tại đây, địch bố trí phòng ngự dày đặc, chất đất thì lẫn đá nên rất cứng, trong việc đào hào lại chỉ tiến hành vào ban đêm nên vô cùng gian nan” - ông Trì nhớ lại.

Trước khi đào hào chúng tôi dặn nhau phải dồn sức vào đầu mũi xẻng để moi đất, không được phát ra tiếng động lớn để địch phát hiện.

“Dù cẩn thận là thế, nhưng cũng không tránh khỏi hy sinh, mất mát, cứ một lúc địch lại cho bắn đạn pháo tìm mục tiêu, rất nhiều đồng đội của tôi đã phải nằm lại trên ngọn đồi này...” - giọng ông Trì trầm xuống.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 là là nơi ghi dấu những trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất của Quân đội Việt Nam.

Cái tên A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho cứ điểm này cũng nói nên ý nghĩa và tầm quan trọng của ngọn đồi. Trong đó chữ A và số 1 luôn luôn đứng đầu trong bảng chữ cái và số thứ tự, vì vậy đặt tên A1 để nhấn mạnh tầm quan trọng của cứ điểm này. Nếu cứ điểm A1 bị tiêu diệt thì phân khu trung tâm không còn đủ sức chống đỡ và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị uy hiếp.

Cuộc chiến tại đồi A1 kéo dài suốt 39 ngày đêm, bắt đầu từ chiều 30.3.1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng ngách hào trong khi địch liên tục phản kích. Cuối cùng kế hoạch dứt điểm đồi A1 được quân đội ta thực hiện bằng cách đào hầm ngầm và đặt 960kg thuốc nổ.

Đúng 20h30 ngày 6.5.1954, khi khối bộc phá 1.000kg được điểm hỏa làm rung chuyển toàn bộ chiến trường cũng là hiệu lệnh tổng tấn công đợt cuối cùng của quân đội Việt Nam tiêu diệt toàn bộ cứ điểm A1.

Trận chiến đấu tại cứ điểm A1 kết thúc lúc 4h30 ngày 7.5.1954 - đây cũng là bàn đạp để quân ta đánh thẳng vào hầm De Castries và bắt sống Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cứ vào dịp từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, đồi A1 - nơi 70 năm trước máu nhuộm từng tấc đất lại xuất hiện một màu đỏ nổi bật của những cây phượng vĩ như những ngọn lửa khổng lồ gợi lại không khí hào hùng rực lửa của một mùa Hè rực lửa.

Đã có hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam mãi mãi nằm xuống trong trận chiến trên ngọn đồi này, máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất và linh hồn các anh đã trở thành bất tử.

Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Di tích đồi A1 đã nhiều lần được tôn tạo và trở thành điểm đến không thể bỏ qua với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến mảnh đất lịch sử Điện Biên.

Hội thảo “70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và những đóng góp to lớn của quân dân Nghệ An”

Ngày 25.4, Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức hội thảo “70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân dân Nghệ An”.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 47 bài nghiên cứu, tham luận. Tại hội thảo, các tham luận, nghiên cứu tập trung khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn, có ý nghĩa lịch sử - thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; những đóng góp to lớn của quân dân Nghệ An trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Thông, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: “70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Đảng bộ và quân dân Nghệ An hôm nay tiếp tục phát huy giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Dịp này, Ban tổ chức hội thảo đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”. Nội dung triển lãm gồm 160 hình ảnh, 30 hiện vật của các Anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện trên 33 tấm pa nô với 4 chủ đề: Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng; Quân và dân Quân khu 4 với Chiến thắng Điện Biên Phủ; Âm vang Điện Biên Phủ; Phát huy tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của Điện Biên Phủ.

Triển lãm được tổ chức từ ngày 25.4 đến hết ngày 7.5. QUANG ĐẠI

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”

Ngày 25.4, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.

Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) và ký Hiệp định Geneve (21.7.1954 - 21.7.2024).

Trưng bày được tổ chức nhằm giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về sức mạnh tinh thần, sự đóng góp của đồng bào, chiến sĩ vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trưng bày gồm 2 phần. Phần 1: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; Chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Vị trí địa lý của Điện Biên Phủ. Phần 2: Quyết chiến, quyết thắng, giới thiệu sưu tập tài liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, với gần 150 tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu tới công chúng về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ, mà yếu tố tiên quyết làm nên chiến thắng vĩ đại đó là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ái Vân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn