MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 ban giảm gần 1.000 nhân sự tại TP.Hà Nội: Muốn giảm chỉ có khoán biên chế

XUÂN HẢI - TRẦN VƯƠNG LDO | 11/10/2017 10:55
Ông Bùi Đức Thụ - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với PV Báo Lao Động về việc Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội vừa công bố số công chức viên chức, lao động của 5 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố lên đến gần 1.000 người.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang hoàn thiện Quy định phát ngôn của công chức. Ảnh Dân trí
Chi quỹ lương cả nước chiếm 1/5 trong tổng chi ngân sách nhà nước

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội vừa báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ của 5 Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố, gồm có: Ban Quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án giao thông, Ban Quản lý dự án NNPTNT, Ban Quản lý dự án văn hóa xã hội, Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường.

Theo đó, tổng số cán bộ của 5 ban quản lý dự án là 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng. Đáng chú ý, một số ban quản lý dự án chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017.

Do vậy, ban quản lý dự án phải trình UBND TP.Hà Nội ứng trước ngân sách. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Thụ cho rằng, thực trạng bộ máy biên chế bao gồm công chức viên chức (CCVC) và người lao động hoạt động trong hệ thống bộ máy nhà nước của chúng ta trong thời gian qua tăng lên đáng kể.

Mặc dù, Đảng, Chính phủ đã có chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện việc tinh giản biên chế, nhưng số lượng CCVC ngày càng tăng, dẫn đến tạo thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc này cũng khiến cho phần chi quỹ lương để trả cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực này chiếm đến 1/5 trong tổng chi ngân sách nhà nước.

Cho nên dẫn đến tình trạng mặc dù tiền lương của CCVC vẫn thấp, thu nhập thấp, nhưng vì số lượng CCVC khá đông, nên chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước, khó khăn cho việc dành nguồn ngân sách để đầu tư cho việc trả nợ.

Do đó, một trong những vấn đề cần phải tập trung đó là tinh giản bộ máy viên chức ở đây đối với đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước và đơn vị dịch vụ công, đó là cần quy định rõ những vấn đề thành phần kinh tế làm được thì Nhà nước không nên làm, từ đó sẽ góp phần giảm đội ngũ CCVC ở lĩnh vực này.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích thì giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp có nguồn thu, hoạt động theo cơ chế thị trường, cái nào thuộc Nhà nước hỗ trợ phần nào thì cần nêu rõ, từ đó đội ngũ CCVC sẽ giảm, Nhà nước giảm được gánh nặng.

Đối với 5 ban quản lý dự án của Hà Nội, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân do đâu và phải quy rõ trách nhiệm thuộc về ai. Tôi cho rằng cần rà soát lại, còn bộ máy cồng kềnh lên đến nghìn người, thì quá lãng phí, quá mức cần thiết, tạo thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

“Hơn lúc nào hết chúng ta phải rà soát lại bộ máy, tinh giản biên chế, trước mắt chú trọng vào tinh giản đối với các đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước và đơn vị dịch vụ công. Đồng thời thực hiện khoán biên chế cho các bộ, ngành, địa phương, và giao quyền tự chủ cho các đơn vị, vừa tiến hành cải cách tiền lương... nếu không tình trạng phình biên chế vẫn tái diễn” - ông Thụ nói. 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quyết định cho 5 giám đốc BQLDA chuyên ngành của thành phố ngày 31.12.2016. Ảnh: P.V

Kiên quyết “cắt bỏ” những phòng ban đơn vị chồng chéo

Còn PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - cho hay, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cũng đang bàn về vấn đề tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, hiệu lực quản lý của bộ máy chính trị thế thì phải nắm vững những nguyên tắc, quan điểm của trung ương, từ đó đi vào xử lý các vấn đề cụ thể.

Điểm quan trọng là sắp xếp bộ máy trên cơ sở làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị. Với những ban quản lý dự án chuyên ngành cũng vậy. Phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ những phòng, ban đơn vị không cần thiết, chồng chéo thì phải kiên quyết cắt bỏ để tinh giản biên chế.

Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể và vĩ mô, phải xem xét cụ thể, cẩn thận xem chức năng nhiệm vụ thế nào, có chồng chéo nhau trong điều hành quản lý không. Kiên quyết loại bỏ những phòng, ban, tổ chức trung gian để thu gọn đầu mối. Hiện nay, nhiều đơn vị cũng đã thực hiện thí điểm hợp nhất, gọn lại các tổ chức. Những đơn vị nào có chức năng nhiệm vụ tương đồng, trùng nhau thì có thể hợp nhất.

“Phải thống nhất với nhau trong nhận thức thì mới có thể xử lý cụ thể. Phải lấy chức năng nhiệm vụ và sắp xếp lại những nguyên tắc, chứ không phải tự ý, thích nhập vào thì nhập vào, thích tách ra thì tách ra là không nên. Phải dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn” - ông Phúc nói.

Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Trong tổ chức phải căn cứ vào sơ đồ tổ chức của mình để thiết kế sơ đồ tổ chức lao động, gắn con người với việc làm. Từ đó xác định rõ bao nhiêu vị trí mà mỗi vị trí này là bao nhiêu việc. Lên sơ đồ tính toán được số lượng nhân sự. Sắp xếp những vị trí nào cần chuyên môn, trình độ cao, những vị trí nào phổ thông… Nguyên tắc thông suốt là từ khối lượng công việc mà tính toán số lượng nhân sự cho hợp lý.

“Trong những tổ chức này được sắp xếp lại thì cần xem các vị trí, có những vị trí nào trùng nhau, thì cần phải thu gọn đầu mối lại. Có như vậy thì mới có thể nâng cao được hiệu quả, thuận lợi cho việc quản lý. Từ việc mà sinh ra người. Cần phải xác định rõ khối lượng công việc như thế nào? Nhìn vào tổng hợp sơ đồ công việc thì cần bao nhiêu vị trí việc làm. Có như vậy bộ máy mới bớt cồng kềnh mà hiệu quả”.

- Ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu: “Hơn lúc nào hết chúng ta phải rà soát lại bộ máy, tinh giản biên chế, trước mắt chú trọng vào tinh giản đối với các đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước và đơn vị dịch vụ công. Đồng thời thực hiện khoán biên chế cho các bộ, ngành, địa phương, và giao quyền tự chủ cho các đơn vị, vừa tiến hành cải cách tiền lương... nếu không tình trạng phình biên chế vẫn tái diễn”.

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân: “Trong những tổ chức này được sắp xếp lại thì cần xem các vị trí, có những vị trí nào trùng nhau, thì cần phải thu gọn đầu mối lại. Có như vậy thì mới có thể nâng cao được hiệu quả, thuận lợi cho việc quản lý. Từ việc mà sinh ra người. Cần phải xác định rõ khối lượng công việc như thế nào? Nhìn vào tổng hợp sơ đồ công việc thì cần bao nhiêu vị trí việc làm. Có như vậy bộ máy mới bớt cồng kềnh mà hiệu quả”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn