MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hoàng Hải

5 cơ quan giải ngân vốn đầu tư công rất thấp

PHẠM ĐÔNG LDO | 30/08/2024 15:39

Bộ Tài chính cho biết, có 8 cơ quan giải ngân vốn đầu tư công trên mức bình quân của cả nước, 16 cơ quan giải ngân thấp, 5 cơ quan giải ngân rất thấp.

Ngày 30.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 29 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 2.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan khoảng 231.667 tỉ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết khoảng 228.567 tỉ đồng, đạt 98,66%.

Trong đó có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết khoảng 3.100 tỉ đồng, chiếm 1,34%. Số vốn chưa phân bổ hết thuộc 11 cơ quan.

Về tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan: 87.073 tỉ đồng đạt 37,59%, cao hơn mức bình quân cả nước là 34,68%. Trong đó có 8 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước (34,68%), 16 cơ quan giải ngân thấp (10-34%), 5 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).

Nguyên nhân của tình trạng chậm phân bổ kế hoạch vốn, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của một số bộ, ngành, địa phương là do: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; giảm nhu cầu so với kế hoạch vốn đã giao; vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chưa cân đối đủ nguồn ngân sách đối ứng của địa phương để giao kế hoạch vốn năm 2024; tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa tốt…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan, sửa Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm 5.251,476 tỉ đồng (dự kiến) của 6 cơ quan để bổ sung cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu.

Lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Nam… khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu về tỉ lệ giải ngân đề ra của năm 2024.

Quang cảnh cuộc họp ngày 30.8. Ảnh: Hoàng Hải

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đến giữa tháng 9.2024, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ rõ ràng và nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật.

Từ đó đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao hoặc phân bổ thêm vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ.

"Các địa phương cần chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng… chỉ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư", Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh, ứng trước nguồn vốn của Trung ương để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án mang tính chất liên vùng, biến đổi khí hậu… trong khi địa phương chưa bố trí được ngân sách đối ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn