MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải cách chính sách tiền lương là một nội dung được hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công mong chờ. Ảnh: Hải Nguyễn

5 nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1.7.2024

Vương Trần LDO | 26/02/2024 20:17

Theo Bộ Nội vụ, quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1.7.2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương trong khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ xác định: Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31.3.2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Cải cách chính sách tiền lương là nội dung được hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công mong chờ.

Theo Bộ Nội vụ, để thực hiện triển khai các nội dung của chính sách tiền lương mới, khu vực công cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Trong đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.

Theo thông tin từ Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương từ 5 nguồn, gồm:

Thứ nhất, từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang (hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương);

Thứ hai, từ nguồn ngân sách Trung ương (ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương cho các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định nêu trên mà vẫn còn thiếu);

Thứ ba, từ một phần nguồn thu sự nghiệp: Đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương; đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành Y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương...

Thứ tư, từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao);

Thứ năm, từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Xây dựng các quy định về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập khu vực công; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công nhằm giảm ngân sách Nhà nước chi cho nguồn nhân lực đơn vị sự nghiệp công lập.

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương; chính sách tiền lương là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn