MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

5 nhân sự chưa lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV

Nhóm PV LDO | 24/10/2023 16:04

Theo chương trình làm việc Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, chiều nay (24.10), Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Lần thứ 3 lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội

Sáng 25.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Vào chiều 25.10, sau khi Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Nghị quyết 96 của Quốc hội quy định các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tổng cộng, có 49 chức danh thuộc diện này.

Cũng theo quy định trong Nghị quyết 96 của Quốc hội, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm, sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Xét theo tiêu chí này, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Đây là 5 nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.

Như vậy, lần này Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 44 nhân sự. Trong đó, có 2 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4; 12 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 và 30 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.

Tính đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh.

Bảo mật tuyệt đối việc lấy phiếu tín nhiệm, loại bỏ tình trạng nể nang

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết, nội dung Quy định 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 96 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm rất khách quan; quy trình chặt chẽ, dân chủ, theo ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Khi người được lấy phiếu tín nhiệm có tỉ lệ phiếu "đánh giá tín nhiệm thấp" từ 2/3 tổng số phiếu trở lên thì bị xem xét miễn nhiệm; khi tỉ lệ phiếu đánh giá tín nhiệm thấp từ quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Việc bỏ phiếu kín hoàn toàn không có dấu tích nào để không biết ai là người đánh giá và ý kiến đánh giá của đại biểu cũng được bảo mật tuyệt đối. Điều này giúp loại bỏ tình trạng nể nang, không bày tỏ chính kiến, không làm tròn trách nhiệm của đại biểu" - bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, công tác cán bộ là việc rất hệ trọng, vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ cũng cần quy định chặt chẽ, thực hiện khoa học, đảm bảo khách quan, thận trọng và thống nhất trong hệ thống chính trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn