MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo và kết thúc hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

6 luật có hiệu lực từ năm 2024 vẫn chưa có kế hoạch triển khai

PHẠM ĐÔNG - HẢI NGUYỄN LDO | 06/09/2023 17:53

Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 và 1.7.2024, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai.

Công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm

Chiều 6.9, phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có nhiều giải pháp đổi mới để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm. Theo giám sát của các cơ quan Quốc hội, một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Toàn cảnh hội nghị chiều 6.9. Ảnh: Hải Nguyễn

Đặc biệt, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 và 1.7.2024, nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Trong khi đó đây là nội dung rất quan trọng, cần thiết để dự kiến các công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực.

Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dù vậy, phải sau 4 tháng, Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 12 mới được ban hành.

Hay như Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024, được Quốc hội ban hành ngày 9.1.2023. Tuy nhiên, phải sau hơn 2 tháng Chính phủ mới có văn bản chỉ đạo, phân công các bộ triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp đó, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi. Ngoài ra, phải chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn