MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội nghị tổng kết. Ảnh: Hải Nguyễn

6 nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2022

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 31/12/2021 17:04

Hội nghị tổng kết công tác dân vận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2021 đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận năm 2022.

Nhân dân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch

Chiều 31.12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân vận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2021.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài chủ trì hội nghị. 

Tham dự hội nghị còn có: ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn,…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, năm 2021, nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Đảng, Nhà nước kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và đạt được một số kết quả quan trọng. Đồng thời, ghi nhận những kết quả tích cực trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, kiên quyết kiểm tra, xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Cũng theo ông Lộc, công nhân, người lao động tin tưởng, ủng hộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động ủng hộ việc đẩy mạnh việc tiêm vaccine, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, lao động.

Đồng thời có giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động khu công nghiệp để người lao động có thể sớm trở lại doanh nghiệp, an tâm lao động sản xuất...

Đồng thời, ông Lộc cũng cho biết, các đơn vị trong Khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ trong vận động, tuyên truyền nhân dân và thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại hội nghị.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2022, ông Lộc cho biết sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lồng ghép với Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Thứ 2, chú trọng công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nâng cao năng lực, thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng. Tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, quan tâm đoàn kết và phát huy vai trò đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng các quy định; không tổ chức các đoàn đi giao lưu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm... chưa rõ mục đích, nội dung và đối tác cụ thể. Khuyến khích tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tuyến, tại chỗ; chỉ đưa vào kế hoạch những đoàn thực sự quan trọng, cần thiết và có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Chính phủ, tổ chức tốt các hoạt động đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với đoàn viên, hội viên và nhân dân của từng tổ chức.

Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, chú trọng các sự kiện chính trị nhạy cảm, những vùng trọng yếu về dân tộc, tôn giáo và những vấn đề nổi cộm phát sinh ở cơ sở, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp, tổ chức tốt công tác tiếp nhận và phân bổ nguồn lực ủng hộ phòng, chống dịch.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở tiếp tục giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với nhân dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 để các chính sách được đến với người dân kịp thời, đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.

Vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về tổ chức, bộ máy, cán bộ của hệ thống MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh, đảm bảo lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Thứ sáu, thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn