MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cử tri quận Bắc Từ Liêm phát biểu ý kiến tại một buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội. Ảnh: HĐND Thành phố Hà Nội

75.000 dân Hà Nội mới có 1 đại biểu HĐND cấp thành phố

Cẩm Hà LDO | 24/09/2023 20:58

Việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đang là một nội dung nhận được nhiều sự ủng hộ trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tiếp tục được cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.2023.

Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND Thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội là cần thiết.

Tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20.9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND Thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Khi góp ý vào nội dung này, tại hội nghị xin ý kiến các nguyên lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 18.9, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng nhìn nhận, Điều 9 về HĐND Thành phố quy định rõ việc được bầu 125 đại biểu (tăng mạnh so với trước đây - chỉ được bầu 95 đại biểu) là phù hợp.

"Tăng như vậy là phù hợp, tôi hoàn toàn tán thành. Quy định số lượng cụ thể là rất đúng" - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhìn nhận, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp bởi nhiều điều, khoản đã không còn phù hợp.

Trong đó dự thảo Luật lần này tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của Hà Nội và đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh cũng bày tỏ ấn tượng với Điều 4 và Chương II của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội lên 125 đại biểu.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, ngay cả khi số đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội được tăng lên 125 người, tính bình quân cứ 75.000 dân Hà Nội có 1 đại biểu, vẫn thấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước (khoảng 26.000 dân có 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh).

Theo thông tin từ HĐND Thành phố Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội bầu được 95 đại biểu HĐND Thành phố; 1.052 đại biểu HĐND huyện, quận, thị xã và 10.593 đại biểu HĐND xã, thị trấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn