MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khoá XV khai mạc vào sáng ngày 5.1.2023. Ảnh: Phạm Thắng

77 năm qua, Quốc hội không ngừng lớn mạnh

Vương Trần LDO | 06/01/2023 17:01

Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nền móng để xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên  cả nước (kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên).

Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri đi bỏ phiếu. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: T.Vương

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã góp phần hoàn thiện Nhà nước cách mạng kiểu mới do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, đặt nền móng để xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Thông qua cuộc bầu cử này, tinh thần làm chủ, ý thức dân chủ của người dân được phát huy cao độ, bởi đây là lần đầu tiên người dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Với tinh thần dân chủ và làm chủ đã phát huy cao độ ý thức chính trị của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước cách mạng và trong cuộc đấu tranh để giữ vững nền độc lập non trẻ vừa mới thành được. Cuộc bầu cử đầu tiên cũng phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Trước đó, trong thời gian đi tìm đường cứu nước, năm 1919, Bác Hồ đã đề cập đến tinh thần “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Pháp quyền trước hết phải thể hiện thông qua bầu cử, từ đó xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp, từ đó soạn thảo, công bố Hiến pháp và hệ thống luật pháp của nhà nước. Vì vậy, có thể nói cuộc bầu cử ngày 6.1.1946 là nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, trước những yêu cầu của thực tiễn, trong năm 2022, lần đầu tiên Quốc hội họp kỳ họp bất thường lần thứ nhất để xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách mà không chờ tới kỳ họp thường kỳ. Tiếp nối thành công đó, ngay trong những ngày đầu năm 2023 này, kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội đã được tổ chức để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách của đất nước.

TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Vương

TS Lê Trung Kiên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, về lập pháp, trong những năm qua, hoạt động lập pháp luôn được Quốc hội được đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Cùng với đó, hoạt động giám sát cũng đạt được những kết quả tích cực, ngày càng sát với thực tiễn, lựa chọn được những vấn đề nổi trội, bức thiết trong xã hội.

Thêm một dấu ấn đổi mới trong những năm gần đây của Quốc hội là hoạt động chất vấn với tinh thần rất dân chủ. Tại các kỳ họp của Quốc hội, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên nghị trường rất sôi nổi, nội dung tranh luận rất rõ ràng, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển.

Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, các công trình quan trọng quốc gia, chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn