MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng/QH

91 thẩm phán bị kỷ luật, trong đó 6 thẩm phán bị xử lý hình sự

PHẠM ĐÔNG LDO | 20/03/2023 11:48

Theo tổng kết 10 năm nước ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là con số rất đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành tố tụng.

Đề nghị thành lập tòa chuyên biệt về án hành chính

Sáng 20.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. 

ĐBHQ Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) phản ánh thực tế tổ chức bộ máy một số tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn.

Đại biểu đề nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế tổ chức và hoạt động của tòa án hiện nay?

Trả lời chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, mô hình tổ chức hiện nay chưa hợp lý và đang tiến hành khắc phục bằng các giải pháp căn cơ. 

“Một số án chuyên biệt đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng chúng ta không có thẩm phán chuyên biệt và tòa chuyên trách nên chất lượng còn hạn chế, việc xử lý còn khiêm tốn. Ví dụ như án phá sản, liên quan sở hữu trí tuệ”, ông Bình nêu thực tế.

Bên cạnh đó, ông Bình cho biết quy định một số vụ kiện chủ tịch tỉnh mà vẫn giao cho tỉnh xét xử thì có cái vướng nên đề nghị Quốc hội cho thành lập tòa chuyên biệt về án hành chính, chỉ chuyên xử án hành chính ở cấp tỉnh, khắc phục tình trạng nể nang.

Cũng theo chánh án, việc tổ chức bộ máy cũng chưa thực sự hợp lý theo quy mô dân số, quy mô nền kinh tế và số lượng các vụ việc của tòa án.

Ông dẫn chứng, có những huyện ở Lai Châu, Bắc Kạn, mỗi năm một thẩm phán chỉ phải xét xử 1-2 vụ án, trong khi con số này ở Bình Dương, Cần Thơ là 10-12 vụ. Điều này cho thấy tổ chức bộ máy chưa đồng đều giữa các khu vực.

“Cần tổ chức tòa án theo khu vực để có thể giải quyết các vụ việc một cách chuyên biệt hơn”, ông Bình đề xuất.

Về việc hủy, sửa án hành chính, ông Bình thừa nhận phần chủ quan có nguyên nhân do năng lực, trách nhiệm của thẩm phán. Giải pháp ông Bình đưa ra là đề nghị phải tuân thủ pháp luật.

“Chủ tịch tỉnh phải đối thoại đầy đủ, cung cấp tài liệu cho người dân, nhất là về đất đai, nếu không các vụ án sẽ chậm”, ông Bình nói.

Thu hồi tài sản tham nhũng đạt 40% là con số đáng ghi nhận

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu cũng đặt câu hỏi về thực hiện chính sách pháp luật về thi hành ánh và thu hồi tài sản tham nhũng. Từ năm 2018 đến nay có bao nhiêu cán bộ thẩm phán bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ, chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ. Trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao và cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thế giới cũng như nước ta không bao giờ thu hồi được tài sản tham nhũng triệt để.

Theo tổng kết 10 năm nước ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành tố tụng.

Để thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao hơn, ông Bình cho rằng cần thêm cơ chế. Bởi theo luật hiện hành, chúng ta quy định chỉ thu hồi số tài sản tham nhũng nếu cơ quan tố tụng chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng.

Nếu không chứng minh được thì rất khó. Vì thế, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan phải nâng cao chất lượng, kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

Nói thêm thực tế trên thế giới, ông Bình cho biết, tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh của các cơ quan tố tụng, nhiều nước quy định thêm cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình của các bị can tham nhũng.

“Nếu các bị can này không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì số tài sản đó sẽ bị tịch thu”, theo ông Bình.

Về xử lý cán bộ kỷ luật, chánh án cho biết ngành tòa án có 90 trường hợp bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120 tức là tỷ lệ án hủy sửa cao.

Cũng theo ông Bình, có 91 trường hợp bị kỷ luật, trong đó có 6 trường hợp bị xử lý hình sự thì 6 trường hợp này là vi phạm về phẩm chất đạo đức, có vụ lợi trong hoạt động công vụ, còn 43 trường hợp thì dừng việc bổ nhiệm, trong đó có 6 trường hợp thì không được bổ nhiệm do vi phạm nghiêm trọng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn