MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chiếc kèn sử dụng để cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: T.Vương

Âm thanh hùng tráng từ bộ kèn cử hành Quốc ca ngày thành lập Nước

VƯƠNG TRẦN LDO | 31/08/2022 11:56
Ngày nay, nhiều tư liệu, kỷ vật về ngày Quốc khánh cách đây 77 năm đang được trưng bày tại các bảo tàng lưu giữ những câu chuyện ý nghĩa về ngày Độc lập 2.9.1945. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ nhóm hiện vật đặc biệt gồm các loại kèn Xắcxô, Temió, Coz, Trompét, Connette... Những chiếc kèn này được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Sức mạnh cổ động thần kỳ

Những ngày tháng 8.1945, trong không khí sôi sục của cách mạng, những người lính trong đội kèn “Bảo an binh” gia nhập quân đội cách mạng. Ngày 20.8, sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội một ngày, Ban âm nhạc Giải phóng quân ra đời gồm hầu hết những người lính trong đội kèn “Bảo an binh” rời bỏ hàng ngũ địch và được Bộ chỉ huy quân sự Hà Nội giao nhiệm vụ luyện tập các bài hành khúc cách mạng, để biểu diễn phục vụ buổi lễ thành lập Nước.

Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là người chỉ huy dàn nhạc tấu bài Quốc ca ngày ấy. Mặc dù trong cuộc đời đã chỉ huy nhiều lần biểu diễn, nhưng buổi Lễ thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2.9.1945 có ý nghĩa trọng đại đối với ông và cả 75 nhạc công tham dự buổi hòa tấu hôm đó, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời đi theo cách mạng của ông và những người lính trong đội kèn “Bảo an binh”.

Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với nhạc sĩ Văn Cao thống nhất cho sửa hai chữ trong bài “Tiến quân ca” để bản nhạc hoàn hảo hơn, xứng đáng là bản Quốc thiều của nước Việt Nam độc lập.

Đó là rút ngắn trường độ của nốt “rê” (D) đầu tiên của chữ “Đoàn” và nốt “mi” (E) ở đoạn giữa trong chữ “xác” làm cho bản nhạc khỏe khoắn, trầm hùng hơn.

Khi viết tổng phổ, yêu cầu đặt ra phải thể hiện được tính muôn màu, muôn vẻ về chất lượng và âm sắc của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc. Tổng phổ viết xong, mọi người trong ban nhạc cảm thấy hài lòng. Suốt cả ngày 1.9 và mấy ngày trước đó, ban nhạc tập đi tập lại bài Quốc ca và một số bản hành khúc khác.

Ngày 2.9.1945, đoàn quân đã tề chỉnh trong trang phục soóc ka ki vàng, đi giày da, đội mũ ca nô có đính quân hiệu, hành quân lên Ba Đình theo đội hình: Đội thông hiệu, đội trống và đội nhạc hơi. Nhận vị trí trước lễ đài, đoàn quân nhạc dàn thành năm hàng ngang, mặt hướng về lễ đài.

Buổi lễ chính thức bắt đầu. Lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên đỉnh cột cùng lúc những âm thanh hùng tráng của bản Quốc thiều vang lên khắp quảng trường. Tất cả như ngưng đọng trong giờ phút thiêng liêng ấy. Trong tiếng hòa âm hào hùng trang nghiêm như có tiếng gọi của hồn Nước, tiếng vó ngựa, quân reo thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; tiếng bước chân dồn dập xông lên về phía quân thù của Xô viết Nghệ - Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn, của Cách mạng tháng Tám hào hùng.

Mệnh lệnh của Tổ quốc qua lời bài hát Tiến quân ca: “Tiến mau ra sa trường, tiến lên! Cùng tiến lên!” Nhạc điệu mỗi lúc một thúc giục như nhịp đập của trái tim Tổ quốc đang hòa nhịp cùng trái tim mỗi người. Tất cả như bị cuốn hút vào dòng âm thanh có một sức mạnh cổ động thần kỳ - sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cách mạng.

Âm thanh hùng tráng như tiếng gọi non sông

Để biểu đạt được cái thần của bản “Tiến quân ca”, 75 nhạc công lúc đó đã dồn hết tâm trí vào tiếng nhạc, sử dụng chuẩn xác những chiếc kèn, dưới sự chỉ huy chặt chẽ chính xác của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên.

Quốc thiều Nước Việt Nam độc lập lan tỏa đi khắp nơi, báo tin nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời và đến nay bản Quốc ca ấy vẫn trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam.

Hướng dẫn viên Nguyễn Đại Việt - Phòng tuyên truyền, giáo dục (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết: Ngày 18.3.1959, bộ kèn đồng đã được nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, thay mặt cho Đoàn Quân nhạc trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị. 77 năm đã qua qua, bộ kèn đồng cử Quốc ca trong ngày Quốc khánh ngày 2.9.1945 là những hiện vật đặc biệt tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo anh Nguyễn Đại Việt, “bộ kèn đồng” là một trong những kỷ vật tiêu biểu đang được trưng bày ở khu vực Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1945.

Bộ kèn đồng hiện đang được trưng bày cùng với bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác được cử hành trong Lễ chào cờ của ngày Quốc khánh cách đây 77 năm. Những hiện vật này được trưng bày gần nhau giúp cho người dân, du khách dễ hình dung và cảm nhận về không khí hào hùng của ngày Quốc khánh.

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - chia sẻ, trong suốt chặng đường lịch sử từ ngày Quốc khánh đầu tiên đến nay, những âm thanh hùng tráng của Quân nhạc Việt Nam vang lên như tiếng gọi non sông, cổ vũ, thôi thúc những trái tim yêu nước Việt Nam kết thành một khối, vượt qua mọi khó khăn, vững bước tiến lên chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn