MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, gian trưng bày hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Trần Vương

Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng còn mãi qua những hiện vật

Vương Trần LDO | 07/05/2023 16:33

Ngày 7.5.1954 là ngày đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược, là mốc son chói lọi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã dành riêng một không gian trưng bày trang trọng về các hình ảnh, hiện vật đặc biệt gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ghi nhận của PV Lao Động, nhiều hiện vật đang được trưng bày như: Bộ bàn ghế gỗ được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương sử dụng trong cuộc họp quyết định chủ trương chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 tại chiến khu Việt Bắc tháng 9.1953; Cờ "Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông 1953" do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập chiến công trong chiến dịch Thu Đông 1953 hay những chiếc xe đạp thồ, chiếc đèn bão, máy điện thoại sử dụng trong sở Chỉ huy Mường Phăng năm 1954… cùng những hình ảnh về chiến dịch Điên Biên Phủ giúp công chúng có thêm những cảm nhận, hình dung về thời hoa lửa trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Đặc biệt, sa bàn kết hợp với phim tư liệu giúp người xem dễ dàng hình dung ra được tổng quan chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Những hiện vật trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trong kháng chiến chống Pháp được trưng bày. Ảnh: Trần Vương 

Trung úy Phạm Đăng Tuấn Linh - Phòng Tuyên truyền, Giáo dục - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cho hay, những ngày qua, hàng trăm cựu chiến binh, thanh niên, thế hệ trẻ và cả du khách nước ngoài đã tới Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để nhìn lại những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử dân tộc về chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.

Bảo tàng cũng đón rất nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm. Phần lớn trong số đó là những đoàn khách ngoại giao, nhiều người đã có tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, trong đó có tìm hiểu và nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ, vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn bộ tiến trình lịch sử cận hiện đại. 

 Người dân tham quan các hiện vật. Ảnh: Trần Vương

Họ cũng rất khâm phục chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Bởi dân tộc Việt Nam với sức vóc và con người nhỏ bé, điều kiện kinh tế, trang thiết bị kỹ thuật cũng như quân sự so với thực dân Pháp rất chênh lệch nhưng chúng ta bằng lòng yêu nước, trí tuệ, bản lĩnh và được sự đồng lòng nhất trí của toàn dân tộc cũng như sự ủng hộ của bè bạn quốc tế đã chiến thắng một đế quốc lớn như vậy.

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho hay, suốt từ năm 1956 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm, sưu tầm để lưu giữ những hiện vật đặc biệt gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Qua những kỷ vật trưng bày tại phòng chiến thắng Điện Biên Phủ đã kể lại chiến thắng vang dội trong lịch sử Việt Nam. 

Sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Trần Vương

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đây là thắng lợi quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954 có ý nghĩa to lớn: Bảo vệ được thành quả của cách mạng Tháng Tám, củng cố lòng tin của nhân dân cả nước vào sự lãnh đạo của Đảng, là nhân tố quan trọng đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21.7.1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, không chỉ là bước ngoặt trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mà còn là khâu đột phá mở đầu, cổ vũ các dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giành độc lập.

Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn