MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biển quảng bá Tuần lễ Cấp cao APEC ở San Francisco, California, Mỹ, ngày 9.11.2023. Ảnh: AFP

APEC 2023 tạo dựng tương lai tự cường, bền vững cho tất cả

Song Minh LDO | 11/11/2023 07:30

Với chủ đề tạo dựng một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người, năm APEC 2023 do Mỹ làm chủ nhà, tập trung vào ba ưu tiên: Kết nối xây dựng một khu vực tự cường và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 11-17.11.2023 tại San Francisco là hoạt động quan trọng nhất trong năm APEC 2023 của nước chủ nhà Mỹ.

Năm ngoái, Mỹ đã củng cố cam kết với khu vực thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng với tư cách là chủ nhà của APEC năm 2023, Mỹ có thể thúc đẩy các lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra chương trình nghị sự hướng tới giảm xung đột và thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và hợp tác toàn cầu hòa bình.

Trong cuộc họp báo trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC, ông Matt Murray, quan chức cao cấp phụ trách APEC, Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao Mỹ) nhấn mạnh, với chủ đề năm APEC 2023, các ưu tiên chính sách của Mỹ là xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết nối, sáng tạo và bao trùm.

Thông qua APEC, Mỹ cam kết tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực năng động đại diện cho 40% dân số thế giới, gần một nửa thương mại toàn cầu và hơn 60% GDP toàn cầu.
Xuất khẩu của Mỹ sang các nền kinh tế APEC trong năm 2021 đã vượt qua 1,3 nghìn tỉ USD. Hơn một nửa tổng số xuất khẩu của Mỹ đã được dành cho các nền kinh tế APEC, đồng thời hỗ trợ gần 7 triệu việc làm ở Mỹ.

Ông Murray cho biết, trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thiết lập tầm nhìn chiến lược cho sự hợp tác khu vực trong năm tới. Ông Murray nhấn mạnh, Mỹ tự hào về những tiến bộ đã đạt được trong năm nay thông qua APEC và duy trì cam kết tăng cường quan hệ đối tác, tham gia với các bên liên quan trong khu vực, tiếp tục làm việc hướng tới một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người.

Cũng trong cuộc họp báo, ông Christopher Wilson - Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách Nhật Bản, Hàn Quốc và APEC - nêu rõ, để phù hợp với chủ đề tạo dựng tương lai tự cường và bền vững, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ưu tiên khả năng phục hồi và bền vững trong các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Mỹ, để có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc trong tương lai.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ gặp gỡ các đối tác vào ngày 14 và 15.11.

"Chúng tôi sẽ tập trung vào thương mại, mong muốn được tham gia với các đối tác, với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện xã hội dân sự và các bên liên quan khác" - ông Wilson nói.

Trợ lý Wilson cho hay, sẽ có chương trình nghị sự đầy tham vọng cho các cuộc họp của Bộ trưởng APEC. Đại diện Thương mại Katherine Tai và Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận mạnh mẽ về cách các nền kinh tế APEC có thể tiếp tục làm việc cùng nhau để thúc đẩy khả năng phục hồi cho người dân.

Cụ thể, các bộ trưởng thương mại sẽ thảo luận về cách các nền kinh tế APEC có thể hợp tác trước Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 13, được tổ chức vào tháng 2 tới tại Abu Dhabi. Các bộ trưởng cũng sẽ tiến hành cuộc thảo luận mà họ bắt đầu ở Detroit về các biện pháp tăng cường tính bền vững và đưa vào các chính sách thương mại trên khắp khu vực APEC.

Thương mại giữa các thành viên APEC tăng mạnh lên 9.900 tỉ USD

Các dữ liệu thống kê cho thấy, từ năm 1989 đến năm 2010, thương mại giữa các thành viên APEC tăng gần 5 lần, từ 1,7 nghìn tỉ USD lên 9,9 nghìn tỉ USD; mức thuế trung bình trong khu vực giảm gần 6 lần, từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010; chi phí giao dịch thương mại cũng giảm đáng kể, qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và 2010.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn