MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam.

APEC là động lực để Việt Nam phát triển trong khu vực hứa hẹn nhất toàn cầu

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 16/11/2023 18:28

"Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. APEC 2023 sẽ mang lại cho các thành viên, trong đó có Việt Nam một diễn đàn để đối thoại với nhau. Cơ hội này cần được tận dụng và Việt Nam nên trở thành động lực cho sự phát triển đa phương này" - GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam - trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.

Theo quan điểm của ông, APEC 2023 sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam?

- Thế kỷ 21 hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi to lớn về trọng tâm kinh tế và chính trị. Trong thế kỷ 20 trước đó vẫn được coi là “thế kỷ Đại Tây Dương” (khi trọng tâm dồn tại Mỹ và châu Âu) thì giờ đây trở thành “thế kỷ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (nhờ sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nước châu Á khác, song hành với tầm quan trọng của Mỹ). Việt Nam là một phần của khu vực đang bùng nổ này, do đó cần phải tìm hướng đi trong môi trường đầy thách thức đó.

Việt Nam hiện nay đang ở vị thế tự tin trên trường quốc tế. Việc tham gia vào các sáng kiến của APEC và tạo dựng mối quan hệ với các nước khác đã góp phần thúc đẩy mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại. Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này sẽ mở ra cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tìm ra các mục tiêu chung.

Một trong những nội dung mà APEC nhấn mạnh là việc cam kết thúc đẩy về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Ông đánh giá Việt Nam có cơ hội gì khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần hồi phục hậu COVID-19?

- Theo tôi, APEC 2023 nhấn mạnh khá đúng về tầm quan trọng trong tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau sự phục hồi ban đầu hậu COVID-19, giờ đây các cuộc xung đột địa chính trị nổ ra ở Ukraina hay Trung Đông đã trở thành rủi ro mới với nền kinh tế toàn cầu. Với cam kết rõ ràng đối với nền kinh tế thị trường, sự chắc chắn về mặt pháp lý và thương mại tự do, kết hợp với chính sách tài khoá và tiền tệ thận trọng, Việt Nam đã phát triển tương đối tốt sau đại dịch COVID-19.

Thông qua APEC, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích từ hợp tác với các đối tác. Việt Nam có thể tận dụng tốt khả năng huy động vốn quốc tế để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững. Cụ thể, Việt Nam thu hút các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế cho vay ưu đãi và đảm bảo nguồn vốn, cũng như tăng cường viện trợ không hoàn lại (trong đó có hỗ trợ kỹ thuật) để phát huy năng lực nội tại cho doanh nghiệp. Ở điểm này cần phải nhắc đến Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 khi hướng tới quan hệ đối tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả phát triển kinh tế.

Vậy Việt Nam làm gì để đón đầu và tận dụng cơ hội tiềm năng này mà APEC mở ra, thưa ông?

- Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vốn hội nhập tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam có thể hưởng lợi từ tư cách thành viên APEC bằng cách đóng vai trò trung gian hòa giải. Đồng thời sử dụng vai trò này để thúc đẩy khả năng phát triển các mối quan hệ kinh tế của mình. Với tư cách là một chuyên gia kinh tế Đức, tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đa dạng hóa các đối tác thương mại và kinh doanh, cũng như mang lại cơ hội bình đẳng cho các nước đối tác.

Trong lĩnh vực chính sách kinh tế, những năm gần đây Việt Nam cho thấy việc đi đúng hướng tới mục tiêu thịnh vượng và tăng cường hiểu biết quốc tế. Điều này bao gồm nền kinh tế thị trường mở, cam kết áp dụng các quy tắc của luật pháp quốc tế và cam kết thương mại tự do.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần cải thiện, trong đó bao gồm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng hệ thống giáo dục và nhiều dự án quy mô lớn khác nhau như thành lập Trung tâm Tài chính TPHCM. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả để thúc đẩy đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như khuyến khích các sản phẩm sử dụng công nghệ mới. APEC cũng sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp xúc sâu rộng với các thị trường khác để trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số.

Về mặt kinh tế, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. APEC 2023 sẽ mang lại cho các thành viên, trong đó có Việt Nam một diễn đàn để đối thoại với nhau. Cơ hội này cần được tận dụng và Việt Nam nên trở thành động lực cho sự phát triển đa phương này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn