MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nước chủ nhà APEC 2021. Ảnh: AFP

APEC ứng phó khủng hoảng kinh tế và đại dịch

Khánh Minh LDO | 10/11/2021 09:39

Tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021 từ ngày 8-12.11, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ khẳng định cam kết ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay, thống nhất quyết tâm đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn.

Phục hồi sau khủng hoảng

New Zealand tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Phát biểu ngày 8.11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, hội nghị sẽ tập trung vào việc vạch ra con đường phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19 "trăm năm mới có một lần". “Cùng nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng và hỗ trợ thương mại các vật tư y tế quan trọng, bao gồm bộ dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ và bây giờ là vaccine” - Reuters dẫn lời Thủ tướng Ardern nói. Các thành viên APEC đã cam kết tại một cuộc họp đặc biệt hồi tháng 6 để mở rộng chia sẻ, sản xuất vaccine COVID-19 và dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với vaccine.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai". Tại hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ thảo luận về hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch, thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Đây được đánh giá là một dấu ấn của Năm APEC 2021 mà New Zealand đảm nhiệm cương vị chủ tịch.

Mở đầu Tuần lễ cấp cao APEC, trong hai ngày 8-9.11, các bộ trưởng kinh tế từ 21 nền kinh tế thành viên APEC họp để bàn thảo biện pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của khu vực thông qua chính sách thương mại đổi mới và hợp tác đa phương. "Cùng nhau, chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi trong năm qua để mang lại nhiều kết quả có ý nghĩa khác nhau, đặc biệt là trong việc đẩy nhanh vận chuyển nguồn cung cấp vaccine và các mặt hàng thiết yếu khác qua biên giới. Tiến độ trong chương trình nghị sự đầy tham vọng của APEC năm nay cho thấy quyết tâm của tập thể chúng ta có thể vượt qua những thách thức trong đại dịch như thế nào. Và đà này không được dừng lại" - Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand, Damien O'Connor phát biểu. Ông nói thêm rằng thương mại rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai. Trên tinh thần đó, các nền kinh tế APEC phải tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được để mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Dự báo tăng trưởng

Theo Phân tích xu hướng khu vực APEC (ARTA) mới nhất, các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và sẽ ổn định ở mức 4,9% vào năm 2022. Kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng 8% trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 3,7% trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên tiếp tục phân hóa và duy trì sự không chắc chắn.

Tăng trưởng về khối lượng và giá trị thương mại hàng hóa tăng tốc ở mức hai con số trong nửa đầu năm nay nhờ tác động tổng hợp của điểm so sánh thấp sau sự suy thoái kinh tế đáng kể một năm trước và sự phục hồi trong hoạt động kinh tế. Giao dịch hàng hóa liên quan đến COVID-19 như dược phẩm, thiết bị viễn thông và máy tính tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, phân tích cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh đầu tư vào lĩnh vực xanh của khu vực APEC, xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm. Điều này đặc biệt liên quan đến vai trò quan trọng của APEC trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và năng suất cũng như cải thiện công nghệ và kỹ năng trong nước.

Một điểm đáng chú ý khác là lạm phát gia tăng. Khu vực này đã ghi nhận tỉ lệ lạm phát cao hơn 2,6% trong chín tháng đầu năm 2021, sau khi tăng trung bình 1,5% vào năm 2020. Phân tích chỉ ra nguy cơ lạm phát có xu hướng tăng lên đối với sự phục hồi kinh tế nếu không được giải quyết.

Tiến sĩ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC - đơn vị đưa ra báo cáo - cho biết: “APEC, cùng với nền kinh tế toàn cầu, là lãnh thổ chưa được khám phá, nơi mà quá trình phục hồi đang diễn ra ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Có rất nhiều bài học khó khăn được rút ra từ đại dịch, trọng tâm là các chính sách kinh tế, thương mại và y tế gắn liền với nhau - và các chính sách tốt mới là điều quan trọng".

Tiến sĩ Hew nói thêm rằng tiếp cận bất bình đẳng đối với vaccine cần phải được giải quyết khẩn cấp để tránh tình trạng phục hồi hai chiều. Các nền kinh tế APEC cũng nên suy nghĩ trước về việc tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa kinh tế dần dần và ổn định để hồi sinh các lĩnh vực khả thi như du lịch và lữ hành, phục hồi các ngành sản xuất...

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu đối với khu vực và nhân loại nói chung, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng của các nền kinh tế APEC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn