MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: QH

Bắc Giang sắp tổ chức một số phiên toà trực tuyến xét xử vụ án hình sự

Phạm Đông - Trần Vương LDO | 23/10/2021 18:47

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công phiên toà trực tuyến đầu tiên và chuẩn bị mở thêm một số phiên toà xét xử vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến.

Tiếp tục kỳ họp thứ 2, chiều 23.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến các báo cáo dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Thảo luận trực tuyến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc tổ chức phiên toà trực tuyến là xu hướng tất yếu, không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Với diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19, các hoạt động xét xử, tố tụng hình sự bị ảnh hưởng không nhỏ.

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng cần ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự. Bà cũng đề nghị sơ kết kết quả xử lý các vụ án tồn đọng vì dịch COVID-19 tập trung ở cấp nào, địa phương nào, khả năng đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, đường truyền phục vụ xét xử trực tuyến.

“Chúng ta cần đánh giá kỹ sự tương thích giữa chủ trương xét xử trực tuyến với các quy định liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, đại biểu Trần Thị Thu Phước lưu ý.

 Phiên họp trực tuyến của Quốc hội chiều 23.10.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của xây dựng tòa án điện tử, tòa án số là để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục vụ Tổ quốc, nhà nước, nhân dân và đảm bảo quyền con người, công lý ngày càng hiệu quả hơn.

Cùng với đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, tình hình thực tiễn đang đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách bởi dịch COVID-19 bùng phát, luôn thay đổi với các biến thể mới đã đang và có thể sẽ diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Do đó, việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến sẽ đảm bảo cho việc xét xử bình thường của tòa án, kịp thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khẳng định tính khả thi của phiên toà trực tuyến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước dịch bùng phát tại các khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, trong đó, ngành tòa án gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi các hoạt động xét xử phải dừng lại.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện hiện đại… Bắc Giang đã ban hành và triển khai tích cực số hóa hồ sơ án hình sự và trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp giai đoạn năm 2021-20215.

Mục tiêu tỉnh Bắc Giang đặt ra, từ nay đến 2025 sẽ thực hiện số hóa 100% số lượng hồ sơ các vụ án hình sự để trình chiếu tài liệu tại phiên tòa và lưu giữ hồ sơ số hóa.

Đặc biệt, vừa qua được sự nhất trí của Tòa án nhân dân Tối cao, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên toà trực tuyến đầu tiên của tỉnh và kết quả thành công tốt đẹp. Việc này đáp ứng được yêu cầu, mục đích đặt ra và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thêm một số phiên toà xét xử vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến.

Trong quá trình xây dựng và trình dự thảo nghị quyết, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, Tòa án nhân dân Tối cao đã tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức các hội thảo, diễn đàn và nhiều hình thức khác để lấy ý kiến rộng rãi, xin ý kiến, tiếp thu ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền về dự thảo Nghị quyết này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn