MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhận lương hưu hằng tháng. Ảnh: Lương Hạnh.

Bãi bỏ lương cơ sở, lương hưu thấp nhất cần phải thay đổi từ 1.7

HẠNH AN LDO | 23/05/2024 11:02

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, khi lương cơ sở không còn, lương hưu thấp nhất cũng phải thay đổi.

Tính toán tác động đến lương hưu

Báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tính đến hết năm 2023, ngân sách đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Như vậy so với báo cáo của Chính phủ vào tháng 10.2023, con số này tăng 120.000 tỉ đồng.

Về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu, tờ trình của Chính phủ đã đề cập đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.

Chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ ngày 1.7.2024, trong đó, bãi bỏ “mức lương cơ sở” và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách xã hội gắn với lương cơ sở.

Bên cạnh đó, việc bãi bỏ mức lương cơ sở cũng ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức lương hưu, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng, mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số nhóm lao động nghỉ hưu có mức lương hưu thấp như người nghỉ hưu trước 1995 cũng như nguồn lực để thực hiện các chính sách này.

Do đó, Ủy ban Xã hội cho rằng, rất cần bố trí đủ nguồn lực cũng như các giải pháp đồng bộ để bảo đảm chính sách cải cách tiền lương được thực hiện tổng thể, toàn diện theo đúng chủ trương của Trung ương.

Đề xuất mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội

Đáng chú ý, khi thay thế cho mức lương cơ sở, Chính phủ cũng đề xuất mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1.7.

Mức tham chiếu tính BHXH được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Trần Vương.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, từ ngày 1.7, sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số như hiện hành khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Thay vào đó, cán bộ, công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo quản lý.

Về đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính BHXH thay thế cho mức lương cơ sở, ông Dĩnh nhận định, đây là đề xuất phù hợp khi có phương pháp tính lương mới.

Theo ông Dĩnh, Luật BHXH năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất (áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng BHXH bắt buộc) bằng mức lương cơ sở.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng.

"Khi lương cơ sở không còn, thì lương hưu thấp nhất cũng phải thay đổi. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất thay thế bằng mức tham chiếu là phù hợp", ông Dĩnh đánh giá.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, việc xác định mức lương hưu thấp nhất để đảm bảo đời sống cho người về hưu là nhân văn. Nếu theo quy tắc đóng hưởng của BHXH, người có tiền lương đóng thấp sẽ hưởng mức lương hưu thấp.

Ông Dĩnh dẫn chứng, vừa qua, những người nghỉ hưu trước năm 1995 lương thấp đã được điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối lên mức 3 triệu đồng, thay vì bằng tỉ lệ như các nhóm khác.

Về mức tham chiếu bao nhiêu, chuyên gia cho rằng, cơ quan liên quan cần bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn