MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Nguyễn Bắc Son tại toà. Ảnh: Trần Vương

Bài học về xử lý cán bộ cao cấp vi phạm

VƯƠNG TRẦN LDO | 12/05/2020 15:56
Hiện nay công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được Đảng ta tiến hành một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, người còn đương chức hay đã về hưu có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật. Việc này cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác nhân sự trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Những bài học trong việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm

Mới đây, Chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu con số đảng viên bị xử lý kỷ luật trong thời gian vừa qua. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Nhìn nhận về những con số này, trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc xử lý cán bộ thời gian qua cho chúng ta nhiều bài học khi nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Bài học đầu tiên là phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc hơn về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nhiều lần nói rằng, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt. Bài học thứ hai là coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với đội ngũ cán bộ.

Bài học thứ ba là khi cán bộ đã có khuyết điểm thì phải mạnh dạn xử lý khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Bài học thứ tư là cần phải tăng cường công tác giáo dục về vấn đề này. Trong những năm qua, sau khi kỷ luật chúng ta đều công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó cũng là hình thức để giáo dục răn đe để những cán bộ khác không đi theo vết xe đổ. Bài học thứ năm, qua thực tiễn xử lý nội bộ, chúng ta phải có sự thống nhất cao trong Đảng, sự thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, và phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Gắn chặt trách nhiệm của người giới thiệu, nơi biểu quyết lựa chọn nhân sự

Lưu ý về công tác nhân sự, công tác cán bộ trong đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng sắp diễn ra, PGS-TS Nguyễn Viết Thông cho rằng: Nếu thực hiện nghiêm những quy định hiện nay đã ban hành thì sẽ lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Hệ thống các quy định, quy chế không thiếu, vấn đề mấu chốt hiện nay là người thực hiện quy định, quy chế đó. Trước hết là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt thì sẽ lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài. Còn quy định, quy chế ban hành nhưng người thực hiện không lãnh đạo, chỉ đạo tốt thì quy định, quy chế đó cũng không thể đi vào cuộc sống được

“Trước đây, những nơi bổ nhiệm không đúng cán bộ đều thanh minh rằng đã làm đúng quy trình. Lỗi ở đây không phải bởi quy trình mà lỗi là do người thực hiện quy trình. Những văn bản, quy định về lựa chọn cán bộ kể cả cấp huyện, tỉnh, Trung ương là đầy đủ, nếu làm nghiêm thì Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ yêu đúng yêu cầu đặt ra” - ông  Thông nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương cho biết, mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài viết nêu rất đầy đủ, tâm huyết, xác thực về những lưu ý trong việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Điều quan trọng bây giờ là làm sao để triển khai được những lưu ý của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã nêu vào triển khai thực tế.

Ông Hùng cũng lưu ý, trong việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ cần phải dựa trên quá trình theo dõi, đào tạo, hoạt động thực tế, thực tiễn bằng những việc làm cụ thể để tìm ra những người có tâm, có tầm giới thiệu vào các cấp uỷ Đảng, giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Đồng thời, để tránh những sai lầm trong giới thiệu, lựa chọn cán bộ thì cũng cần gắn chặt trách nhiệm của người giới thiệu, của tổ chức biểu quyết, giới thiệu nhân sự đó. Nếu không có sự công minh, khách quan, sau này nếu nhân sự được lựa chọn có vấn đề gì thì những người liên quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Các tổ chức Đảng, Đảng viên cũng cần phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm với các nhân sự được giới thiệu này, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những sai lầm nếu có.

Ông Hùng cho rằng, cần phải hết sức lưu ý vấn đề giám sát cán bộ, giám sát quyền lực. Có những người khi ban đầu được giới thiệu cũng tốt, cũng tròn trịa nhưng tới khi có chức có quyền rồi thì người đó tự đánh mất mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn