MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh Quochoi.vn

Bản án giám đốc thẩm phải tâm phục, khẩu phục, là mẫu mực cho toà cấp dưới

VƯƠNG NGUYÊN CHUNG LDO | 19/06/2020 21:04

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh điều này khi chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 19.6 về góc nhìn của ông về việc xem xét giám đốc thẩm một số vụ án.

PV: Thưa đại biểu, thủ tục giám đốc thẩm có ý nghĩa như thế nào với bị cáo?

- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Theo luật định, bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, ở đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật tố tụng luôn dành cho các bị cáo hay đương sự quyền kiến nghị xem xét lại bản án phúc thẩm bằng thủ tục giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm là cơ hội cuối cùng của bị cáo, đương sự khi cho rằng bản án phúc thẩm bất hợp lý, trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ.

Theo tôi, nếu việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, số lượng đơn này lại tăng lên trong các năm qua, gây áp lực cho việc xét đơn và xét xử giám đốc thẩm của tòa cấp trên, tỷ lệ giải quyết đơn chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.

Về nguyên tắc, bản án giám đốc thẩm phải là một sản phẩm thể hiện được tinh hoa trí tuệ, công minh, khách quan, có sức thuyết phục cao.

Thế nhưng, việc một số bản án giám đốc thẩm hình sự chẳng những các bị cáo, đương sự, mà cả các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình, gây bức xúc trong dư luận, như vụ án “trộm cây gỗ trắc chết khô” ở Gia Lai và vụ Hồ Duy Hải, thì theo tôi, TANDTC cần quan tâm nhiều hơn đến công tác này.

PV: Vậy còn tình hình giám đốc thẩm các vụ án dân sự hiện nay như thế nào, thưa ông?

-Giám đốc thẩm dân sự thì tình hình đáng lo ngại hơn, vì nhiều bản án dân sự sơ và phúc thẩm có biểu hiện tùy tiện, trái hoặc bỏ qua các quy định pháp luật, trong khi yêu cầu cao nhất đối với thẩm phán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Thậm chí, có vụ, giám đốc thẩm đã hủy án sơ, phúc thẩm, chỉ rõ những sai phạm và yêu cầu khắc phục khi xét xử sơ thẩm lại, nhưng thẩm phán cấp dưới vẫn giữ nguyên quan điểm, lặp lại sai lầm khi xét xử sơ thẩm lại.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng việc xét đơn kiến nghị giám đốc và xét xử giám đốc thẩm cần được tiến hành khẩn trương hơn, chuẩn mực hơn, với những phân tích, lập luận có sức thuyết phục cao hơn để sửa chữa, khắc phục những sai phạm của bản án sơ, phúc thẩm bị kháng nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn