MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: QH

Băn khoăn thì không đánh được vào gốc rễ tham nhũng

Xuân Hải LDO | 07/09/2018 06:33
Vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và đối tượng kê khai tài sản, thu nhập được đa số đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

"Cậu ấm, cô chiêu” tuổi còn nhỏ nhưng sở hữu tài sản kếch xù?

Tại hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 6.9, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, nếu không quy định bố, mẹ, con thành niên của người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản lần đầu thì chưa xoáy vào “tảng băng chìm” vì nhiều minh chứng thực tiễn khiến dư luận dậy sóng.

“Nhân dân đều biết nhiều ông bố, bà mẹ bỗng dưng sở hữu nhiều tài sản, đứng tên nhiều doanh nghiệp, biệt phủ, xe sang mà được coi là của thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu dù tuổi còn ít nhưng có tài sản khủng, trơ trơ thách thức dư luận” - ông Vượt nói.

Ông Vượt cho rằng, qua nhiều vụ án tham nhũng đã và đang được xét xử cho thấy nhiều tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...

“Riêng tài sản cho chân dài là chưa bị lộ”, ông Vượt nói thêm, đồng thời nhấn mạnh tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà biến hoá như ma trận, lòng vòng nhưng cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ.

“Tham nhũng để làm gì? Câu trả lời là “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp cũng nằm ở đây. Cứ băn khoăn quyền này quyền kia của công dân thì không đánh được vào gốc rễ của tham nhũng” - ông Vượt nói.

Đồng quan điểm cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng cần mở rộng đối tượng là bố, mẹ và con thành niên, nhưng chỉ nên áp dụng với người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước và ở cơ quan thuộc lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

“Thời gian qua thu hồi tài sản tham nhũng chỉ dưới 20% trong khi Nhà nước thất thoát rất lớn, thân nhân của những người đó có tài sản kếch xù mà không thu hồi được. Khi anh A, anh B bị xử lý, tù tội thì tài sản không có gì hết, hoặc có chút đỉnh” - ông Hoà nói.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng cho rằng, việc không quy định bố, mẹ, con thành niên của người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản là “lỗ hổng” trong luật hiện hành cần sửa đổi. Đây là vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm vì nó không còn là “kẽ hở” nữa mà là “cửa” cho đối tượng tham nhũng chuyển tài sản tham nhũng vào.

“Có cô gái trẻ, nhà nghèo, công tác bình thường nhưng khi thành “hot girl” lại có khối lượng tài sản lớn mà không biết từ đâu ra, ai cũng thấy nhưng cơ quan chức năng bó tay. Lỗ hổng chỗ này” - ông Diến dẫn chứng và đề nghị quy định kê khai lần đầu áp dụng với cả bố, mẹ và con thành niên.

Xem xét, giải quyết tại tòa án đối với tài sản không rõ nguồn gốc?

Dù nêu hai phương án xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội (phương án 1 là giải quyết tại tòa án; phương án 2 là thu thuế), nhưng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thiên về quy định toà án xem xét, quyết định. Theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng bản chất tài sản không giải trình được thì thu hồi và ông tin số đông nhân dân sẽ ủng hộ. Việc qua toà xem xét quyết định sẽ đảm bảo minh bạch, công khai, chặt chẽ hơn.

Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho hay, xử lý theo hướng phán quyết của toà là phù hợp với nhiều nước. Ông Vượt cũng nhấn mạnh, phương án truy thu thuế là khó khả thi, không thực tiễn và dễ bị lạm dụng vì “tài sản của anh mà anh còn không chứng minh được thì rất khó cơ quan nào xác minh được”.

“Tài sản mà không giải trình được nguồn gốc thì chắc có quá nhiều tài sản, nhiều nguồn. Còn tài sản lớn như đất đai, nhà cửa mà không giải trình được thì có gì đó sai sai, nguỵ biện” - ông Vượt nói.

Về xử lý với loại tài sản này, theo đại biểu Trần Văn Mão, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Ông Mão đồng tình với phương án giải quyết qua toà, vì điều đó thể hiện thái độ của Nhà nước cũng như chế tài thực hiện sẽ tốt hơn. Bởi nếu giao cho một cơ quan không phải cơ quan tư pháp xử lý thì tính khả thi không đảm bảo và khi thực hiện dễ vi phạm quyền của công dân được Hiến định.

Sáng 6.9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thảo luận các nội dung dự thảo luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa. Điều đó tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật có nhiều nội dung khó, có tính chất kỹ thuật, chuyên sâu và là một bước góp ý kiến quan trọng, giúp Quốc hội dành nhiều thời gian để tập trung thảo luận về những nội dung chủ yếu, quan trọng của dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là 2 dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, của cử tri và của chính các vị đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý nhất là đối với những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề được đưa ra trong Báo cáo và các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm tại dự thảo luật; đồng thời, đề xuất cụ thể hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thể trình bày và trao đổi thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm. A.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn