MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ban Tổ chức Ngày Lễ Độc lập 2.9.1945. Ảnh tư liệu

Ban Tổ chức “Ngày Độc lập 2.9.1945”

Kiều Mai Sơn LDO | 02/09/2020 21:04
Ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945 đã trở thành một ngày lễ trọng đại của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng ít ai biết được rằng, Ngày Lễ Độc lập được tổ chức trang trọng trước quốc dân đồng bào có thời gian chuẩn bị tổ chức rất ngắn. Ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) - nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập trước đó chỉ 4 ngày.

Ông Nguyễn Hữu Đang kể lại sự kiện được giao làm Trưởng ban Tổ chức “Ngày Độc lập” trong hồi ký như sau: Ngày 28.8.1945, Chính phủ lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Nguyễn Hữu Đang được cụ Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế, dẫn vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn ông Nguyễn Hữu Đang một lúc với cặp mắt rất sáng, như muốn cân nhắc, đánh giá người sắp được giao trọng trách.

“Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: - Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2.9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?

Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: - Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi.

Cụ Hồ nói ngay: - Có khó thì mới giao cho chú chứ!

Ông Nguyễn Hữu Đang nhận nhiệm vụ và hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trao cho ông Nguyễn Hữu Đang quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...

Có một điều thú vị là, trong Ban Tổ chức “Ngày Độc Lập” có hai anh em ruột. Người anh là Trần Lê Nghĩa - Phó ban. Còn người em là Trần Văn Hà, một trong 12 thanh niên đứng nghiêm dưới Đài Độc lập để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau ngày này, ông Hà được giao nhiệm vụ là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Hà Nội, kiêm Giám đốc Nhà Thông tin Tràng Tiền, Hà Nội.

Không chỉ là đạo diễn điện ảnh tài năng, Phạm Văn Khoa (1913 - 1992) còn là người tổ chức xây dựng Lễ đài 2.9.1945.

Còn một vị khách nước ngoài có mặt trên Lễ đài “Ngày Độc Lập” đó là A.Patti, viên thiếu tá chỉ huy trưởng Tình báo Chiến lược (OSS) của Hoa Kỳ. Sau này trong hồi ức của mình, đã phải thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam qua buổi lễ lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn