MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách tham quan gian trưng bày 1945 - 1954 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: T.Vương

Báo chí cách mạng - mũi xung kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa

VƯƠNG TRẦN LDO | 11/04/2024 10:48

Gần 70 năm đã trôi qua, kể từ ngày quân và dân ta giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thế giới có nhiều đổi thay nhưng thời gian không làm phai mờ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Góp phần vào chiến thắng này có sự đóng góp không nhỏ của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Vượt khó, vượt khổ, đưa những dòng tin nóng hổi từ mặt trận

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành riêng một không gian trưng bày báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954. Đây là một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt với báo chí nước nhà, bởi đây là giai đoạn báo chí đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước vừa tuyên bố độc lập năm 1945 nhưng ngay sau đó lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Song dù gian khổ đến đâu, những người làm báo thế hệ đó đã nỗ lực hết mình và để lại một dấu ấn rất đậm, đặc sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Khi đất nước lâm nguy, những nhà báo đã khoác balo cùng ra mặt trận, nhận nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc.

Trao đổi với Lao Động, nhà báo Trần Thị Kim Hoa - phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam - cho biết, trong giai đoạn này, chúng ta có nhiều tờ báo in lớn ra đời như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an mới (tiền thân của Báo Công an nhân dân)… Có những cơ quan báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam còn phải mang vác cả thiết bị đến các vùng sơ tán để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới.

Điều đặc biệt, trong giai đoạn này, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời trong lửa đạn chiến tranh, là dấu mốc đặc biệt gắn lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho các học viên. Một số tư liệu đã được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

“Trong bối cảnh kháng chiến cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, dù là trèo đèo lội suối, dù là phải tự làm giấy… thì những người làm báo đã vượt qua những khó khăn, gian khổ để thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình” - bà Hoa nhìn nhận.

Mũi xung kích, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta

Tại Điện Biên Phủ, 70 năm về trước, Báo Quân đội nhân dân đã xuất bản và phát hành 33 số báo đặc biệt ngay tại chiến trường, trở thành kênh thông tin báo chí hiệu quả, một mũi xung kích trong chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ở Điện Biên Phủ và cả nước.

Thượng tá Mè Quang Thắng - Báo Quân đội nhân dân - cho biết, trong thời gian 140 ngày đêm, từ ngày 28.12.1953 đến ngày 16.5.1954, Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điên Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo.

Lực lượng nòng cốt của tòa soạn tiền phương khi đó chỉ có 5 người, gồm: Hoàng Xuân Tùy - phụ trách chung, Trần Cư - thư ký tòa soạn, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp - phóng viên, Nguyễn Bích - họa sĩ trình bày báo.

Đội ngũ làm báo đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kịp thời xuất bản báo để tuyên truyền đường lối kháng chiến và phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu, tạo động lực cho các phong trào thi đua giết giặc lập công.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam - cho hay, qua nghiên cứu, sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho thấy, giai đoạn này đã để lại những bài học rất lớn trong nghề báo, lớn nhất đó là sự quyết tâm, là sự mạnh mẽ, sự phát triển trong mọi bối cảnh, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp.

“Những dòng tin tức nóng hổi từ mặt trận, với những bài báo có sức lan tỏa, động viên tinh thần của chiến sĩ, đồng bào, những nhà báo chiến sĩ đã góp một phần trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và trong thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp” - nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn