MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

Báo chí có nhiều bài viết hay, giá trị vượt thời gian trong chống COVID-19

PHẠM ĐÔNG LDO | 29/10/2023 13:24

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, việc xử lý tin giả nhanh nhất, triệt để nhất; các cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị "vượt thời gian" để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách... là liều thuốc "an sinh tinh thần".

Xử lý tin giả nhanh nhất, triệt để nhất

Sáng 29.10, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Bộ TTTT đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, quyết liệt thực hiện tốt đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Những thông tin sai lệch, tin giả về đại dịch COVID-19 được xử lý với phương châm nhanh nhất, triệt để nhất. Tin giả lan truyền nhanh, nên cần công bố thông tin bác bỏ nhanh nhất có thể, lan truyền rộng khắp thông tin thật.

Xử lý triệt để bằng cách tìm nguồn tán phát tin giả để xử lý vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối tượng phát tán tin giả; yêu cầu các nền tảng nội dung chặn, gỡ tin xấu, độc.

Trong 3 đợt dịch đầu, các cơ quan báo chí bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan chức năng để chủ động thông tin, tuyên truyền.

Cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác và đầy đủ diễn biến tình hình dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền; cung cấp số liệu, kết quả phòng, chống dịch...

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, báo chí đã thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch; lan tỏa mạnh mẽ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các chỉ đạo, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương.

Báo chí điện tử đã có 2.286.883 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch (từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.9.2023)...

Các cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị "vượt thời gian" để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách, là liều thuốc "an sinh tinh thần".

Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước

Về bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, nhất quán và minh bạch để định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội.

Các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch cần được đánh giá tác động truyền thông trước khi ban hành, cho các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia góp ý kiến từ giai đoạn xây dựng để tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở về các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Triển khai công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý, 20% nằm ở công nghệ. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bộ sẽ bám sát quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương duy trì chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục tăng cường thông tin tạo đồng thuận xã hội sau khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Chỉ đạo, định hướng báo chí, truyền thông đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không kiểm chứng; xử lý nghiêm đối với các thông tin sai sự thật, không kiểm chứng.

Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc xin.

Tiếp tục triển khai, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn