MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên hoạt động báo chí tại một phiên tòa ở TAND Hà Nội, qua màn hình tivi. Ảnh: Quang Việt

Báo chí ghi âm, ghi hình không làm "méo mó" hoạt động xét xử tại phiên tòa

Việt Dũng LDO | 19/05/2024 08:25

Các chuyên gia luật cho hay, qua những phiên tòa dư luận quan tâm, báo chí đã chuyển tải thông tin kịp thời, thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp và góp phần thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động tư pháp.

Chuyển tải thông tin phiên tòa là hình thức tuyên truyền pháp luật

Tại Kỳ họp thứ 7 tới đây (dự kiến khai mạc ngày 20.5), Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, có những vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí tại các phiên tòa.

Về hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa hình sự, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết, hoạt động đó được thực hiện theo Luật Báo chí, Bộ Luật Tố tụng hình sự và theo quy định tại Điều 4 Nội quy phiên Tòa ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-CA về Nội quy phiên tòa do Chánh án TAND Tối cao ban hành.

Về nguyên tắc là báo chí được quyền tiếp cận thông tin, đưa tin về hoạt động tư pháp, phản ánh dư luận xã hội. Luật Tiếp cận thông tin cũng cho phép mọi công dân có quyền tiếp cận những thông tin công khai, trừ những thông tin mật.

Pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đều phải tuân thủ một nguyên tắc hiến định là công khai, công bằng, dân chủ. Tòa án xét xử công khai và mọi người từ 16 tuổi trở lên đều có quyền tham dự phiên tòa.

Những quy định của các văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp và những văn bản dưới luật phải phù hợp với luật và hiến pháp. Thông tư quy định trao quyền cho chủ tọa phiên tòa được quyền quyết định hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, song không đồng nghĩa với việc chủ tọa có quyền cấm hay cản trở hoạt động báo chí tại phiên tòa.

Thời gian qua, hoạt động báo chí đưa tin diễn biến phiên tòa tại các phiên xét xử những vụ án về phòng chống tham nhũng rất kịp thời, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp và góp phần thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động tư pháp.

Đưa tin phiên tòa còn là hoạt động tuyên truyền pháp luật, giúp nhiều người hiểu hơn về thủ tục tố tụng, về quy trình giải quyết một vụ án và hậu quả pháp lý mà người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu, mang tính chất răn đe phòng ngừa chung đối với xã hội.

Bởi vậy, cần hoàn thiện chính sách pháp luật và có những quan điểm nhận thức thống nhất, đúng đắn, khoa học, hợp lý để thể hiện sự văn minh tố tụng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát, đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai và quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa.

"Việc chuyển tải kịp thời những thông tin diễn biến phiên tòa cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, là hình thức tuyên truyền pháp luật và thể hiện quyền uy của tòa án trong hoạt động tư pháp...", ông Cường nói.

Hoạt động báo chí và tòa án là độc lập với nhau

Ở góc độ khác, luật sư Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết, đối tượng điều chỉnh của Luật Tổ chức tòa án là thẩm phán, thư ký và cán bộ toà án. Tương tự, phạm vi điều chỉnh của luật này là các hoạt động thuộc phạm vi xét xử và công tác tổ chức toà án các cấp.

Trong khi đó, đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí là các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí là các hoạt động về báo chí, thông tấn; việc tổ chức bộ máy, con người để hoạt động báo chí.

Trong đó có nghiệp vụ báo chí, chứa đựng việc ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa xét xử công khai nói riêng và việc ghi âm, ghi hình của báo chí nói chung trong quá trình hoạt động.

Đối với việc ghi âm, ghi hình của báo chí tại các phiên tòa công khai, xét về mặt khách quan và thực tiễn thì ít nhiều có sự tác động hoặc ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề gì lớn gây ảnh hưởng xấu hoặc làm "méo mó" hoạt động xét xử hay tác động tiêu cực đến những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

Vấn đề, giải pháp đặt ra là cần giữ sự tôn nghiêm của phiên tòa, sự vô tư, công tâm của "những người cầm cân nảy mực" nhưng vẫn phải bảo đảm được quyền tác nghiệp của báo chí; phải bảo đảm được thông tin, tài liệu mà báo chí sử dụng, đăng tải là trung thực, chính xác và khác quan...

“Quan hệ giữa hoạt động báo chí và hoạt động của tòa án là mối quan hệ không có tính gắn kết chặt chẽ; không có tính chi phối, lệ thuộc nhau. Đây là hai mối quan hệ xã hội khác nhau, độc lập nhau về nhiều phương diện, đặc biệt là về quản lý Nhà nước", luật sư nhấn mạnh.

Do đó, theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, nếu “lồng ghép” hoạt động, nghiệp vụ báo chí vào hoạt động của tòa án sẽ dẫn tới sự chồng chéo, vướng mắc và giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thi hành cũng như yêu cầu cải cách tư pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn