MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao giải B Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 cho các nhà báo. Ảnh: TTXVN

Báo chí trên tuyến đầu của mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ - Tổng Cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam LDO | 21/06/2023 07:25

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có sức mạnh đặc biệt và tiên phong ở tuyến đầu. Báo chí vừa góp phần phanh phui những vụ việc, vừa giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, vừa tuyên truyền cổ vũ nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong đó có nhiệm vụ tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phanh phui, phát hiện và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm xử lí như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lí dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin và một số vụ việc tham nhũng liên quan đến đất đai mới đây…

Không chỉ phát hiện tham nhũng tiêu cực, báo chí còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng cho nhân dân. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng của báo chí nhằm hai mục tiêu “xây và chống”. Xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng.

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc “giám sát” để các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan, công bằng về các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Nhà nước ta cũng đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các giải báo chí. Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo .

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lí sai phạm. Điều đáng buồn là một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin.

Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, rất cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia thì được bảo vệ như thế nào; nguyên tắc, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa Nhà nước và người dân, các tổ chức xã hội.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải coi việc nhà báo thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật là thi hành công vụ. Có như vậy mới xử lí nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật.

Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lí; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực, vừa để xử lí nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật.

Nhà báo tham gia vào đề tài phòng, chống tham nhũng , tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. Ngay cả nguồn tin cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn. Vướng mắc và cũng là nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên, là do còn thiếu cơ chế bảo vệ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn