MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân là không thể phủ nhận

Đại tá, Nhà báo Phùng Kim Lân (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) LDO | 16/05/2021 11:21
Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Cũng giống như khi Đảng ta tổ chức Đại hội XIII, những ngày này, các thế lực thù địch, phản động càng điên cuồng gia tăng các chiêu trò hòng chống phá cuộc bầu cử của chúng ta. Một vài trang mạng tiếng Việt và mạng xã hội ở hải ngoại gần đây tiếp tục đăng phát nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam dùng “nhiều cách để loại ứng cử viên độc lập”.

Vẫn là “bình cũ rượu cũ”

Trên một số trang tiếng Việt như: BBC, VOA, RFI... đề cập việc gần đây, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng để phục vụ công tác điều tra làm rõ về những hành vi vi phạm pháp luật. Họ cho rằng, việc khởi tố, bắt bớ là cách để chính quyền Việt Nam loại bỏ các ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này.

Theo cách nói của tác giả bài viết, họ đã phỏng vấn một nhân vật từng “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” ở các kỳ bầu cử trước, cho rằng, “chính quyền sử dụng lực lượng quần chúng để loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương”.

Đề cập đến các khâu, các bước trong quy trình bầu cử, họ cho rằng, ứng cử viên độc lập bị “gây khó dễ” ngay từ khi làm hồ sơ, sau đó là hội nghị cử tri. Họ cho hay, chính quyền đã lựa chọn, sắp xếp nên hầu hết người tham dự hội nghị cử tri “có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện, luôn nghe theo đảng và nhà nước...”, sẵn sàng “bôi xấu” ứng cử viên độc lập. Từ đó, họ nói một số ứng cử viên độc lập bị loại khỏi danh sách ứng cử viên là chính quyền dùng biện pháp, sử dụng quần chúng để ngăn cản...

Thực chất của những giọng điệu ấy vẫn chỉ là “bình cũ rượu cũ”. Không phải đến kỳ này mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lu loa những giọng điệu ấy từ nhiều kỳ bầu cử trước đây.

Không thể phủ nhận được sự thật

Chúng ta cần phải khẳng định, những giọng điệu trên là suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ nhằm mưu đồ đen tối.

Một trong những chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch... Việc một số đối tượng bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra làm rõ về những hành vi vi phạm pháp luật là hoàn toàn bình thường.

Việt Nam đang hướng mạnh đến xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý xã hội theo tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Người ứng cử hay người không ứng cử; người ứng cử tự do hay người được giới thiệu ứng cử; người trong Đảng hay ngoài Đảng... bất kể họ là ai nếu vi phạm pháp luật vào bất cứ thời gian nào đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Thực chất giọng điệu cho rằng, Cơ quan ANĐT khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng nhằm “loại bỏ những ứng cử viên độc lập” là hoàn toàn suy diễn, xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin, kích động chống phá cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 của nhân dân ta.

Thực tế cũng chứng minh từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời cho đến nay, quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp của công dân luôn được hiến định rõ trong Hiến pháp. Điều 18 Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử, ứng cử”.

Càng về sau này quyền bầu cử, ứng cử của công dân càng được quy định rõ ràng hơn trong các bản Hiến pháp. Gần đây nhất tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Không chỉ hiến định trong Hiến pháp mà việc thực hiện các quyền bầu cử, ứng cử của công dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ trên thực tế. Mọi công dân Việt Nam khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND. Việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử là hoàn toàn công khai, dân chủ, bình đẳng. Mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân đều là vi phạm Hiến pháp và đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Chuẩn bị bầu cử dân chủ, khách quan, đúng luật

Theo luật định và các chỉ thị, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải qua 5 bước và 3 vòng hiệp thương, gồm: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, được xác định là giai đoạn hết sức quan trọng trong quy trình tổ chức bầu cử. Do đó, công việc này được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp từ Trung ương tới địa phương phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng tiến hành rất chặt chẽ.

Việc đăng ký làm, tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách sơ bộ với người ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử tiến hành đúng quy định và thuận tiện. Các hội nghị hiệp thương, nhất là hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú để nhận xét và tín nhiệm đối với người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử tiến hành dân chủ, khách quan, đúng quy định của Luật Bầu cử và Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri.

Theo đó, đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55% cử tri tham dự hội nghị. Người tự ứng cử cũng như người được giới thiệu ứng cử, người trong Đảng cũng như người ngoài Đảng đều bình đẳng trong việc thực hiện các khâu, các bước của quy trình bầu cử nói chung và tham dự hội nghị cử tri nói riêng.

Thực tế hoàn toàn không có chuyện người dự hội nghị cử tri “có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện” và càng không có chuyện “bôi xấu” người tự ứng cử. Những người không được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND là do họ không được cử tri tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật và quy định bầu cử, chứ không phải là tổ chức, cá nhân nào “tìm cách để loại ứng cử viên độc lập” như giọng điệu của các thế lực thù địch, phản động rêu rao.

Càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tỉnh táo nhận diện, chủ động và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị. Đây là việc làm rất quan trọng để bảo đảm cho cuộc bầu cử của chúng ta thành công tốt đẹp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn