MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất, khả thi hơn

NHÓM PV LDO | 22/10/2022 17:35
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn. Không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội. 

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, chiều 22.10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. 

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động.

Bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn. Không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Liên quan đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất: Doanh nghiệp nhà nước hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập, tổ chức quản lý. Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ chưa thật sự đầy đủ.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng.

Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn thực hiện.

Dự thảo Luật đã quy định khuyến khích các tổ chức có sử dụng lao động mở rộng nội dung thông tin được công khai; bổ sung đa dạng các hình thức công khai thông tin; quy định cụ thể về thời gian tổ chức và thành phần tham dự hội nghị người lao động. 

Về Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ và tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở từng loại hình cơ sở.

Không quy định Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quyền giao Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xác minh những vụ việc nhất định nhằm đảm bảo tính chủ động, độc lập, khách quan của Ban Thanh tra nhân dân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn