MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải B - Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021 cho phóng viên Phạm Thùy Dung, Báo Lao Động. Ảnh Hải Nguyễn

Báo Lao Động đạt 2 giải B, 1 giải khuyến khích giải Báo chí Quốc gia 2021

PHẠM ĐÔNG - HẢI NGUYỄN LDO | 21/06/2022 22:07
Trong lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 diễn ra tại Hà Nội tối nay, Báo Lao Động vinh dự đạt 2 giải B và 1 giải khuyến khích. 

Tối 21.6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021.

Tại giải lần này, Báo Lao Động đoạt 2 giải B, 1 giải khuyến khích giải Báo chí Quốc gia.

Cụ thể, tác phẩm: Loạt 5 kỳ "Bảo kê vận tải hàng hóa: Nhức nhối trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng (của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Long, Đình Trường, Trịnh An) và tác phẩm loạt 4 kỳ "Xóa bỏ thế độc quyền dịch vụ chuyển mạch tài chính" (nhóm tác giả Đức Thành, Phạm Thùy Dung, Lan Hương, Tuấn Anh) đoạt giải B.

Tác phẩm "Gian dối cách ly, lợn nhập khẩu chạy thẳng về... lò mổ" của nhóm tác giả Xuân Hùng, Quang Đại, Lê Phi Long, Lâm Hưng Thơ, Trần Quốc Tuấn đoạt giải khuyến khích.

Tác giả Đình Trường (Báo Lao Động) nhận giải B - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI. Ảnh Hải Nguyễn

Với tuyến bài "Bảo kê vận tải hàng hoá Hà Nội - Hải Phòng", tác giả Đình Trường cho biết, đây là một dạng đề tài tác nghiệp tương đối khó khăn để ghi lại các bằng chứng. Đối mặt với loại đối tượng băng nhóm, bảo kê luôn luôn tiềm ẩn rủi ro và không thể lường trước. 

Để có được những hình ảnh thu tiền “cắt phế" của nhóm đối tượng bảo kê ở khu vực đại lộ Thăng Long, một người trong nhóm PV đã phải thâm nhập trong một thời gian dài trong vai các phụ xe khách.

"Chúng tôi đã phải học các bước nhận hàng, xếp hàng lên xe, tính toán tiền nộp làm sao cho trơn tru bài bản nhất để không lộ diện trong mắt các đối tượng. Ngoài ra, đó còn là khó khăn khi phải thuyết phục chính các phụ xe thực sự lên tiếng, tố cáo những hành vi mang tính chất “giang hồ" của nhóm đối tượng, phải làm sao để họ sẵn sàng nói ra, tin tưởng vào sự bảo vệ mà tờ báo sẽ mang lại" - phóng viên Đình Trường chia sẻ. 

Ngay sau loạt bài đăng tải, các cơ quan chức năng đã đồng loạt vào cuộc, xoá sổ bến cóc xảy ra tình trạng bảo kê hàng hoá. Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng đã vào cuộc phối hợp với công an quận Nam Từ Liêm xử lý nhóm đối tượng. 

"Sau loạt bài này, nhóm tác giả muốn đưa đến thông điệp, trong các vụ việc có yếu tố của tội phạm băng nhóm, bảo kê, cơ quan chức năng địa phương cần phát huy vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh.

Điều này sẽ cho thấy tính minh bạch, không có vùng cấm và không chấp nhận sự dung dưỡng cho bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào" - phóng viên Đình Trường nói.

Tác giả Thùy Dung nhận giải B - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI. Ảnh Hải Nguyễn

Tiếp đó, loạt tác phẩm 4 kỳ "Xóa bỏ thế độc quyền dịch vụ chuyển mạch tài chính" được tổ chức công phu về một vấn đề mang tầm chính sách vĩ mô trong bối cảnh cả hệ thống chính trị nỗ lực vào cuộc thúc đẩy nền kinh tế số và nỗ lực tiến vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chủ trương quan trọng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp trong 2 năm qua, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ. Nhu cầu về chuyển mạch tài chính ngày càng tăng, và ngày càng đòi hỏi tốc độ cao, tính an toàn bảo mật, nhiều sản phẩm dịch vụ mới…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia trao chứng nhận cho đại diện các nhóm tác giả nhận giải B.

Việt Nam hiện chỉ có duy nhất 1 đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Đây được ví như chiếc cầu nối liên thông việc chuyển tiền giao dịch giữa các ngân hàng với nhau, hoặc giữa ngân hàng với đại lý bán hàng... dù muốn hay không. Việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị “đơn thương độc mã” trong dịch vụ này cũng được hiểu rằng có “độc quyền” - đồng nghĩa với việc tự quyết định giá, chất lượng dịch vụ, mức độ đáp ứng của công nghệ…

Phá bỏ thế độc quyền trong lĩnh vực này chính là hướng tới thị trường cạnh tranh, chất lượng dịch vụ nâng lên, phí giao dịch ngày càng giảm. 

Thực tế, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ngày càng gia tăng. Việc cho phép thêm đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ góp phần tạo thêm các nguồn lực xây dựng và phát triển các hạ tầng thanh toán điện tử, giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tác giả Lâm Hưng Thơ nhận giải khuyến khích. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn